Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp của Ninh Giang phát triển tương đối ổn định. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ngày càng tăng. Các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang chia sẻ niềm vui với chúng tôi: "Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển tương đối ổn định. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực, theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ngày càng tăng. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế khá xuất hiện ngày càng nhiều".
Xã An Đức là địa phương điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá. An Đức đã có "thương hiệu" trong thâm canh lúa lai, lúa chất lượng cao; thực hiện các mô hình khuyến nông hiệu quả và nuôi thủy sản. 5 năm về trước, nông dân An Đức gần như chưa biết tới các giống lúa lai, nhưng những năm gần đây, diện tích lúa lai tăng đột biến. Trong vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 101ha lúa lai, chiếm 45% tổng diện tích. Hiện nay, nông dân gần như gieo cấy toàn bộ bằng lúa lai và chất lượng cao. Nông dân ở đây chủ yếu gieo vãi, nhiều diện tích gieo bằng công cụ sạ hàng. "Năm 2007, lúa lai bắt đầu phát triển mạnh. Nhận thấy canh tác lúa lai có nhiều ưu điểm, chính quyền xã An Đức đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân gieo cấy giống mới. Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa được tăng cường. Các mô hình lúa được làm tuần tự từ nhỏ đến lớn. Sau mỗi mô hình đều có tổng kết, rút kinh nghiệm. Vì vậy, các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được nông dân ưa chuộng", ông Đoàn Đình Úy, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường (xã An Đức) chia sẻ.
An Đức còn là địa chỉ tin cậy để nhiều đơn vị phối hợp thực hiện các mô hình khuyến nông. Hằng năm, An Đức phối hợp thực hiện khoảng 10 mô hình khuyến nông, chủ yếu là khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa mới. Công tác chỉ đạo, điều hành tốt, quy vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn là hai yếu tố then chốt để các đơn vị tới đây hợp đồng làm mô hình. Từ các mô hình khuyến nông, nông dân An Đức đã học tập, ứng dụng ngay vào thực tế sản xuất. Không chỉ điển hình trong thâm canh lúa, An Đức còn có nhiều diện tích nuôi thủy sản tập trung có hiệu quả. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, năng suất thủy sản của xã bình quân đạt 9,5 tấn/ha, gấp gần 2 lần năng suất thủy sản bình quân của huyện Ninh Giang.
Thâm canh lúa và thủy sản là hai lĩnh vực có nhiều khởi sắc nhất trong lĩnh vực nông nghiệp của Ninh Giang trong thời gian qua. Diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao trong huyện tăng nhanh. Năm 2010, huyện có 1.618,3ha lúa lai, chiếm 11,4% tổng diện tích gieo cấy, gấp 29 lần so với năm 2006. Việc gieo cấy nhiều giống lúa lai, lúa chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập. Cơ cấu trà lúa, phương thức gieo cấy có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm trà xuân sớm, tăng trà xuân muộn. Nông dân trong huyện cũng bỏ hẳn trà mùa muộn. Hằng năm, huyện chỉ đạo việc giảm diện tích lúa cấy bằng mạ dược và tăng diện tích gieo vãi, cấy mạ sân. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng trồng rau màu có giá trị kinh tế cao ở nhiều xã, như: trồng ớt ở Hoàng Hanh, ngô ở các xã Hưng Thái, Quang Hưng, dưa ở các xã Hưng Long, Tân Quang... Thủy sản tăng trưởng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Năng suất thủy sản trong huyện đạt 5,2 tấn/ha, tăng 1,7 tấn so với năm 2005.
Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp trong huyện phát triển tương đối ổn định. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 630 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4%/năm. Trồng trọt hiện chiếm 61% giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm 5,1%; chăn nuôi chiếm 31,8%, tăng 2,9% so với năm 2005. Năm 2010, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp ước đạt 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần; năng suất lúa ước đạt 120 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha; sản lượng thuỷ sản ước đạt 4.550 tấn, tăng 46,8% so với năm 2005.
Trong những năm tới, Ninh Giang tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai, lúa chất lượng cao; hình thành một số vùng sản xuất nông sản tập trung; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
NINH TUÂN