Nông nghiệp khởi sắc

22/10/2015 06:56

Sản xuất nông nghiệp Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.



Sản xuất vụ đông đã đem lại thu nhập cao cho nông dân. Trong ảnh: Nông dân Gia Lộc thu hoạch rau vụ đông sớm


5 năm qua, nhờ những chỉ đạo sát đúng, kịp thời của các cấp, các ngành trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp Hải Dương đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trồng trọt chuyên nghiệp

Thời gian qua, Hải Dương đã thực hiện nhóm chuyên đề “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2011-2015; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2016-2020” để nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Nhờ đó, nghề trồng lúa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị hạt gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Diện tích lúa chất lượng tăng từ 28,9% (năm 2010) lên hơn 50% (năm 2015). Cơ cấu trà lúa tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích trà xuân muộn, giảm diện tích trà xuân sớm để tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh, chủ động cho gieo trồng cây vụ đông. Nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt được đưa vào đồng ruộng như BT7, Q5, KD18, nếp 97, lúa lai Thục Hưng 6, Syn 6, Bắc ưu 903 KBL; thường xuyên lựa chọn, bổ sung giống mới vào cơ cấu các giống lúa chất lượng, thích nghi với điều kiện bất lợi của thời tiết để thay thế những giống lúa cũ đang có dấu hiệu thoái hóa.

Sản xuất rau màu ngày càng chuyên nghiệp. Ở nhiều nơi trong tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nông dân đã biết lựa chọn những giống cây có giá trị, năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường vào sản xuất đại trà. Các vùng trồng cây rau màu, thực phẩm truyền thống cho giá trị kinh tế cao tiếp tục được duy trì, phát triển như các vùng hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách; củ đậu ở Kim Thành, Kinh Môn; cà rốt ở Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ; bí xanh của Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách; dưa hấu, dưa lê ở Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành… Đặc biệt, những năm gần đây, sản xuất vụ đông của tỉnh dần trở thành vụ chính, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Các vùng trồng cây vụ đông theo hướng chuyên canh, quy mô lớn ngày càng nhiều. Giá trị sản xuất vụ đông tăng từ 90,3 triệu đồng/ha (năm 2010) dự kiến lên hơn 106 triệu đồng/ha (năm 2015). Các vùng trồng cây ăn quả đang phát huy thế mạnh như vùng trồng vải ở Thanh Hà, thị xã Chí Linh, ổi của Thanh Hà; na Chí Linh; chuối của Tứ Kỳ…

Công thức luân canh, tăng vụ đã được thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương. Tiêu biểu như trồng dưa hấu xuân, dưa lê hè, su hào thu, su hào, cải bắp vụ đông ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ đã cho giá trị sản xuất hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Trồng ngô xuân, dưa hấu hè, rau vụ hè thu và cà rốt sớm ở Nam Sách, Cẩm Giàng cho giá trị gần 400 triệu đồng/ha/năm. Hệ số quay vòng đất/năm tại nhiều địa phương tăng lên, dự kiến đến năm nay sẽ đạt 2,4 lần.

Chăn nuôi quy mô lớn

5 năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng gia trại, trang trại. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 500 trang trại quy mô lớn, trong đó có 259 trang trại chăn nuôi lợn và 160 trang trại gia cầm, thủy cầm. Giá trị thu được từ các trang trai năm 2015 dự kiến đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng  gần gấp đôi so với năm 2010. Nhiều năm qua, nhờ tăng hình thức chăn nuôi quy mô lớn nên việc phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện bài bản. Do đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát.

Năm 2015, diện tích nuôi thủy sản được duy trì nhưng sản lượng thủy sản lại tăng 22,7% so với năm 2010. Người dân ở nhiều vùng nuôi đã biết áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất; chủ động kiểm soát, đưa ra cảnh báo về tình hình môi trường và bệnh trên đàn cá nuôi để chủ động các biện pháp phòng, chữa bệnh cho các loại thủy sản. Các hình thức tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm thuỷ sản, áp dụng thực hành nuôi thuỷ sản tốt đã được bà con nông dân tiếp thu thực hiện hiệu quả, góp phần tăng năng suất thuỷ sản, chất lượng thực phẩm cũng được nâng lên.

Cơ cấu giống gia súc, gia cầm, thuỷ sản tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ, linh hoạt theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi, thuỷ sản, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tiến bộ khoa học được tích cực ứng dụng thời gian qua đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. 5 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và triển khai hàng trăm mô hình trình diễn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, sau đó hướng dẫn nông dân thực hiện đại trà. Mô hình sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP bước đầu đem lại hiệu quả. Chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, nuôi gà thả vườn, nuôi cá lồng trên sông đã được nông dân triển khai rộng rãi, cho giá trị kinh tế cao.

Việc đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ cơ giới cho sản xuất đã góp phần ổn định sản xuất, giảm tác động tiêu cực của thời tiết, phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn tập trung, chuyên canh, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng hàng hóa. Các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm đầu ra cho nông sản được coi trọng, góp phần giảm áp lực đầu ra cho nông sản mỗi khi đến mùa thu hoạch rộ.

Thời gian tới, thời cơ và thách thức đối với sản xuất nông nghiệp không nhỏ. Ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ phải chủ động tìm các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, tìm cơ hội phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, tìm cho ngành nông nghiệp một hướng đi phù hợp trong thời gian tới là nhiệm vụ lớn đặt ra đối với Đảng bộ tỉnh ta nhiệm kỳ tới.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất nông nghiệp 5 năm qua đạt 2,7%/năm, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Cơ cấu ngành chuyển biến theo hướng tích cực. Giá trị ngành trồng trọt tăng 2,2%/năm. Diện tích đất trồng lúa được duy trì, bảo đảm an ninh lương thực. Rau màu được sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị không ngừng tăng lên. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 3,1%/năm, giảm dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại...


LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp khởi sắc