Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được thể hiện trong các văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) có nhiều điểm mới.
Trong đó đáng chú ý có một khái niệm lần đầu tiên được đề cập đó là hình thành vùng nông nghiệp đô thị. Điều này cho thấy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với các vùng đô thị được xác định là hướng đi có nhiều triển vọng của nông nghiệp Hải Dương thời gian tới.
Tỉnh ta có nhiều lợi thế để hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp gắn với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động đã tạo thêm cơ hội thuận lợi cho Hải Dương phát triển nông nghiệp gắn kết với các đô thị này. Nhu cầu tiêu thụ nông sản của Hà Nội rất lớn. Vài năm trở lại đây, ngoài xây dựng các vùng cung cấp nông sản ngay tại các địa phương, Hà Nội cũng mở rộng phạm vi hợp tác tiêu thụ nông sản cho các tỉnh xung quanh như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hải Dương. Quảng Ninh, Hải Phòng không có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.
Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã sớm xác định phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô là hướng đi tất yếu trong thời gian tới. Huyện ủy Gia Lộc đã xây dựng Đề án 01 "Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016 - 2020". Các địa phương trong huyện đang tích cực triển khai các nội dung của đề án này. Ngay trong năm nay, huyện Gia Lộc đã chọn 8 xã để quy hoạch vùng sản xuất sạch cung ứng lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị. Các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Nam Sách cũng đang dần hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên biệt phục vụ người dân thành phố. Các xã, phường ngoại thành của TP Hải Dương như Tân Hưng, Thượng Đạt, Thạch Khôi trước đó cũng đã phát triển nông nghiệp theo hướng này.
Phát triển nông nghiệp đô thị đem lại nhiều lợi thế cho nông dân, giúp họ tăng thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động… Đây cũng là hướng đi có tính khả thi cao trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, thực tế nền nông nghiệp đô thị của tỉnh ta mới ở giai đoạn định hình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chỉ ra được những giải pháp cụ thể để phát triển nông nghiệp đô thị, quy hoạch được các vùng có tiềm năng, thế mạnh, từ đó có chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời. Những mô hình sản xuất đặc thù cho đô thị cần được triển khai như vùng rau sạch, vùng hoa, cây cảnh hoặc vùng chăn nuôi an toàn. Đối với nền nông nghiệp đô thị, yêu cầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật đòi hỏi cao hơn so với các vùng nông nghiệp khác. Do đó, tỉnh cần có cơ chế đầu tư thích đáng ở những vùng này về hệ thống nhà lưới, nhà màng, tưới tự động, giống cây con mới… Nông dân cần được nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp, nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu của thị trường… Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu và liên kết giữa nông dân với hệ thống phân phối nông sản tại TP Hải Dương cũng như các đô thị cũng cần được quan tâm. Tăng cường việc kết nối xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng nông sản cho các đô thị vệ tinh. Các địa phương cũng cần quan tâm việc xây dựng các vùng nông nghiệp ven đô để đáp ứng nhu cầu nông sản của người dân TP Hải Dương để góp phần giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân và hiện đại hóa nông nghiệp.
ĐỨC ANH(Gia Lộc)