Nông dân Trường Thành làm giàu từ cây giống

10/07/2014 06:12

Những năm gần đây tại xã Trường Thành (Thanh Hà), mô hình sản xuất cây giống phát triển mạnh giúp nhiều hộ nghèo trở nên giàu có.



Gia đình anh Phạm Văn Nghĩa ở thôn Phù Tinh mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng từ cây giống


Nghề gia truyền

Những cụ cao niên ở Trường Thành không ai còn nhớ nghề ươm và bán cây, cành giống ở đây có từ khi nào. Họ chỉ biết rằng cha ông họ đã từng gánh cành vải, hồng, bưởi lên tận vùng Tây Bắc để bán. Theo thời gian, nghề làm cây giống ở đây ngày một phát triển, người dân có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ươm, ghép nhiều loại cây khác nhau, từ cây ăn quả đến cây cảnh, trong đó có những giống cây quý như cây sưa đỏ, hồng xoài, nhãn Miền Thiết Hưng Yên, nhãn muộn…

Ông Phạm Văn Chất, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thành cho biết, ở xã có tới trên 100 gia đình hội viên làm cây giống, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hội viên thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã thoát được nghèo, trở thành hộ khá, giàu, xây được nhà cửa, mua sắm được nhiều đồ dùng có giá trị phục vụ đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, năm 2013 là 90 hộ, năm 2014 giảm còn 74 hộ (chiếm 7,75%). Hội thường xuyên động viên các hội viên tích cực tìm đầu ra cho các loại cây giống để phong trào phát triển bền vững, ổn định, mang lại thu nhập cao cho dân.

Tuy là một xã cách xa trung tâm huyện, trước đây kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi phong trào làm cây giống phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn ở Trường Thành đã thay đổi rõ rệt, đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, người dân có của ăn của để.

Những triệu phú cây giống

Từng là một hộ nghèo trong xã, nhưng nhờ làm cây giống mà anh Phạm Văn Nghĩa (sinh năm 1976, ở xóm 2, thôn Phù Tinh) đã vươn lên trở thành một triệu phú trẻ. Nhìn ngôi biệt thự khang trang với đầy đủ tiện nghi nằm cạnh mặt đường ít ai có thể nghĩ rằng trước đây anh Nghĩa đã từng rong ruổi khắp TP Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ với chiếc xe đạp cà tàng đi buôn cây giống. Mồ côi bố từ khi chưa lọt lòng cùng gia cảnh khó khăn đã khiến anh Nghĩa luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Anh kể: “Địa phương có nghề ươm cây giống từ lâu đời, nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, nên năm 2002 tôi bắt đầu đi buôn cây, cành giống. Ban đầu chỉ là những cành chiết như: vải, cam, chanh, quất… tôi đạp xe chở xuống bán tại Hải Phòng. Năm 2006, tôi bắt đầu tự ươm và ghép thêm nhiều loại cây khác để mang đi các tỉnh tiêu thụ”.

Ban đầu anh Nghĩa chỉ ươm cây giống trên 3 sào đất của gia đình, đến nay đã lên tới gần 3 mẫu, chủ yếu là các giống đu đủ, nhãn, xoài, hồng, cam, bưởi... Bên cạnh đó, anh còn đầu tư xây dựng hệ thống ống tưới, nhà lưới khép kín để sản xuất cây giống quanh năm. Hiện nay, cây giống của gia đình anh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La… Có ngày cao điểm anh xuất bán tới 20 nghìn cây, thương lái về tận nhà thu mua, nhất là vào thời điểm tháng giêng, tháng 2 âm lịch”.

Do nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường nên anh Nghĩa luôn là người “đi tắt, đón đầu” trong việc ươm, ghép cây giống. Chính vì vậy, gia đình anh là địa chỉ cung cấp cây giống tin cậy của người dân và thương lái trong, ngoài tỉnh. Theo anh Nghĩa, giá cây giống trong vườn của anh dao động từ 800 đồng đến 20 nghìn đồng/cây, còn những cây cảnh, cây bóng mát thì cao hơn gấp nhiều lần. Một năm, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ cây giống, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động với thu nhập đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, anh Nghĩa đang thử nghiệm ươm trồng cỏ Nhật, lộc vừng, vú sữa, sấu…

Cũng giống như anh Nghĩa, ông Nguyễn Doãn Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trường Thành đã trở thành một triệu phú nhờ làm cây giống. Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ươm rộng tới 7 sào với các loại cây được trồng thẳng hàng, bố trí một cách khoa học dưới những tán cây ăn quả trong vườn, ông chia sẻ: “Gia đình tôi đã có truyền thống 3 đời làm cây giống. Sau nhiều năm gắn bó với nghề này, tôi đã tự học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm ươm cây giống. Cứ sau mỗi buổi làm việc tại UBND xã là tôi lại ra vườn để chăm sóc cây. Nghề này tuy vốn đầu tư thấp, nhưng phải chịu vất vả, cần mẫn mới mang lại hiệu quả”. Hiện nay, ông Trường chủ yếu ươm các loại cây như: nhãn, bòng, chanh, vải, xoài để bán sang Hưng Yên và Quảng Ninh. Trung bình mỗi năm, ông xuất ra thị trường từ 50 - 60 nghìn cây, thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chiết cành bòng, bưởi và vải để bán cho nhân dân trong vùng.

Với việc nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường, cùng với việc nhanh nhạy, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, nông dân xã Trường Thành đã phát huy được thế mạnh nghề truyền thống của địa phương, biến nó trở thành một hướng đi bền vững, mang lại thu nhập cao.

ĐỨC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Trường Thành làm giàu từ cây giống