Nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực thuê, mượn đất để trồng cây vụ đông. Đó là một cách tích tụ đất đai hợp lý, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, giúp tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân, thúc đẩy sản xuất vụ đông phát triển.
|
Vụ đông năm nay, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) có 39 hộ dân thuê đất, với diện tích 55,5ha |
Xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) có diện tích trồng cây cà rốt vụ đông vào loại lớn nhất tỉnh ta. Trong vụ đông này, xã trồng được 122ha cà rốt. 82% số hộ dân trong xã trồng cà rốt. Nông dân Cẩm Văn không chỉ trồng cà rốt ở khu vực bãi ngoài đê sông Thái Bình mà còn sang các huyện khác, tỉnh khác để thuê đất trồng cà-rốt. Ông Nguyễn Khắc Vui, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cho biết: Diện tích đất canh tác bình quân của xã chỉ có 1,2 sào/người. Do đất ít, trong khi trồng cà rốt có thu nhập cao và "đầu ra" ổn định, nên nông dân tới những địa phương khác thuê đất. Hiện nay, cả xã có 39 hộ đi thuê đất, với diện tích khoảng 55,5ha, chủ yếu là vùng bãi ven sông Thái Bình thuộc huyện Nam Sách và một số huyện của tỉnh Bắc Ninh. Người thuê diện tích đất lớn nhất khoảng gần 3ha.
Anh Trần Văn Viết, 45 tuổi, ở thôn Văn Thai, là nông dân đầu tiên của xã đi thuê đất vào năm 2004. "Xác định làm nông nghiệp cần có đất, nên tôi đã mạnh dạn thuê 2,6ha đất bãi sông thuộc xã Thái Tân (Nam Sách) để trồng cà rốt", anh Viết cho biết. Ban đầu, anh liên hệ với chính quyền và người dân xã Thái Tân để làm thủ tục thuê đất, chủ yếu là diện tích đất bãi sông ít canh tác, hoặc bỏ không. Tiền thuê đất là 100 nghìn đồng/sào/năm. Sau 5 năm, lại gia hạn hợp đồng. Có đất trong tay, anh Viết thuê lao động tại xã Thái Tân để làm việc trừ cỏ, cải tạo đất, xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông. Từ bãi đất bỏ không đã hình thành nên những khu trồng cà rốt tươi tốt. Hiện tại, anh Viết thuê 1,5ha đất, với giá thuê là 700 nghìn đồng/sào/năm. Anh cho biết: Mỗi sào cà rốt cho năng suất bình quân khoảng 2 tấn, giá trị sản xuất đạt 8 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi 5 triệu đồng/sào.
Xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng có nhiều nông dân thuê đất, với diện tích thuê hàng trăm héc-ta ở mỗi vụ sản xuất. Diện tích đất thuê không chỉ giới hạn ở vùng bãi ven sông Thái Bình mà còn mở rộng vào khu vực nội đồng. Việc thuê đất của người dân Đức Chính đã giúp nông dân ở các địa phương khác nhận thức được vai trò, hiệu quả kinh tế của sản xuất vụ đông. Từ đó, góp phần kích thích nông dân hăng say sản xuất.
Không chỉ thuê đất, nông dân còn chủ động mượn đất để canh tác. Xã Văn Hội (Ninh Giang) có truyền thống trồng cây vụ đông. Những năm gần đây, do nhân công lao động thiếu hụt, hiệu quả kinh tế của vụ đông không cao, nên diện tích trồng cây vụ đông thu hẹp dần.
Ông Nguyễn Thế Hỷ, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Văn Hội cho biết: Thấy đất màu mỡ, nhưng nông dân không trồng vụ đông, chúng tôi tiếc lắm. Một số thành viên HTX đã quyết định mượn đất trồng cây khoai tây. Việc làm này có nhiều lợi ích: Vừa tạo việc làm, thêm thu nhập, vừa tác động đến nhận thức của người dân về lợi ích của sản xuất vụ đông. Từ lúc lúa mùa bắt đầu chín, 4 thành viên HTX đã chia nhau đến từng nhà dân vận động họ cho mượn ruộng. Đây đều là những chân ruộng người dân không canh tác vụ đông. Kết quả, đã mượn được 11,1ha đất tập trung ở thôn Văn Hội. Có đất, HTX thuê nhân công để sản xuất. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng khoai tây sắp được thu hoạch, ông Hỷ hồ hởi cho biết: Chi phí đầu tư khoảng 800 nghìn đồng/sào khoai tây. Chỉ cần lãi 200 nghìn đồng/sào là chúng tôi phấn khởi lắm rồi. Mọi năm, diện tích trồng khoai tây vụ đông của toàn xã chỉ có vài héc-ta, nhưng năm nay đã được mở rộng. Riêng diện tích trồng khoai tây của HTX chiếm 18,5% tổng diện tích vụ đông trong xã.
Vụ đông năm nay, anh Lê Văn Bộ, ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) lần đầu tiên mượn 14,8ha đất để trồng cây đậu tương. Diện tích trồng đậu tương của anh chiếm 40% diện tích vụ đông của toàn xã. Tương tự, anh Vũ Văn Quang, ở xã Cẩm Đoài (cũng thuộc Cẩm Giàng) mượn 10ha đất để trồng đậu tương.
Việc thuê, mượn đất để sản xuất vụ đông là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả và tiếp tục được mở rộng ở nhiều địa phương. Đó là một cách tích tụ đất đai hợp lý, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, vừa giúp tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân, vừa thúc đẩy sản xuất vụ đông phát triển.
NINH TUÂN