Cần cù, chịu thương chịu khó, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1960), ở thôn Tâng Thượng, xã Liên Hồng (Gia Lộc) đã vươn lên làm giàu...
Thành công của ông Nguyễn Văn Mạnh có sự hỗ trợ rất lớn từ Hội Nông dân các cấp
Năm 1997, ông Mạnh đấu thầu, chuyển đổi một số diện tích đất trũng để san lấp, thả cá, chăn nuôi nhỏ. Đến năm2010, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Mạnh đã thuê lại đất ruộng trũng của người dân để mở rộng trang trại. Đây là quyết định khá táo bạo bởi thời điểm đó khu vực này xung quanh chỉ toàn đầm trũng, ruộng bỏ hoang, dân cư thưa thớt. Nhưng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương đã giúp ông vượt qua tất cả.
Bằng số vốn tích lũy và nguồn vốn vay, ông Mạnh bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Sau nhiều tháng học hỏi các mô hình ở trong và ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn của các cấp Hội Nông dân, năm 2010, ông thuê máy đào gần 2 ha ao, nuôi các loại cá thương phẩm truyền thống, đầu tư máy sục khí, máy hút dọn bùn... Đến nay, ông đã đầu tư khoảng 900triệu đồng vào toàn bộ diện tích ao thả cá.
Năm 2011, ông Mạnh đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi gà đẻ lấy trứng để cung cấp cho các hộ kinh doanh ấp nở. Mỗi lứa ông nuôi khoảng 2.500 con. "Nuôi gà đẻ cho lãi cao nhưng cũng rất vất vả, giai đoạn đầu phải đi lấy giống tận Bắc Giang, Hà Nội nên lãi không nhiều, sau này tôi nhập giống gà đực lai chọi ở Hưng Yên để tự gây giống mới thu lãi cao hơn", ông Mạnh nói.
Gia đình ông còn nuôi 200 con chim bồ câu, 500 con vịt đẻ trứng để có thu nhập gối nhau. Phát triển ổn định, mô hình trang trại tổng hợp mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Đầu năm 2013, ông Mạnh quyết định thuê thêm 5 ha đất để trồng đào. Đến nay, số vốn đầu tư cho vườn đào đã lên tới 3 tỷ đồng. Lúc đầu ông phải lên thị trấn Sa Pa (Lào Cai) để lấy giống đào về ươm, cấy ghép, sau 3 năm vườn đào của ông đã có khoảng 20 vạn cây. Từ đây, gia đình ông thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm từ bán đào giống và đào cảnh.
Trên mảnh đất hoang, cách biệt với khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, nổi bật lên trang trại nuôi trồng của gia đình ông Mạnh mang về lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Để có được thành công như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của ông và gia đình, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ Hội Nông dân các cấp, nhất là Hội Nông dân xã. Nguồn vốn gần 100triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội chính là những nguồn lực ban đầu giúp ông có được thành quả như hôm nay.
Ông Lê Văn Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hồng cho biết: “Địa phương có nhiều mô hình, nhưng đặc biệt nhất là mô hình trang trại tổng hợp của ông Mạnh. Ông đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục huy động nguồn vốn, kết hợp mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để ông Mạnh và các hội viên nông dân khác tham gia nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”.
Hiện trang trại của ông Mạnh tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, 15 - 20 lao động thời vụ, mức lương 500.000 đồng/người/ngày. Ông Mạnh cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con. Mỗi năm, gia đình ông ủng hộ từ 3-5 triệu đồng cho các quỹ do Hội Nông dân các cấp phát động; hỗ trợ các hội viên cây, con giống trả chậm; đóng góp hàng chục triệu đồng để góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
THẾ ANH