Với nhiều phẩm chất đáng quý: nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dámlàm, những nông dân thời hội nhập trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang trở thành một bộ phận quan trọngđóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn.
Ứng dụng kỹ thuật vào đồng ruộngAnh Đoàn Đình Úy (trái), người được nhận Bằng khen "Nông dân sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc"
Tôi quen anh Nguyễn Trường Thanh, 51 tuổi, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Ninh (Kinh Môn) trong một buổi hội thảo đầu bờ về giống lúa nếp tại huyện Gia Lộc. Sau này, tôi còn gặp anh nhiều lần ở những buổi giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới trong nông nghiệp. “Tôi phải luôn học hỏi để nắm bắt và ứng dụng những cái mới cho nông dân. Không đi đến đâu thì làm sao biết được các địa phương khác làm gì. Thời hội nhập, không học hỏi sẽ lạc hậu”, anh Thanh tâm sự. Việc học hỏi thành công những cái mới là một việc không dễ dàng. Nhưng để vận động nông dân địa phương tin tưởng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là một thử thách với bất kỳ một chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp nào. Những người đi tiên phong luôn phải chịu áp lực lớn và rủi ro cao. Muốn người khác tin và làm theo mình, trước hết mình phải đi đầu. Vụ chiêm xuân 2008-2009, anh Thanh mua một giàn sạ hàng để gieo lúa. Giải thích nhiều nhưng vợ anh và người dân vẫn nghi ngờ về công dụng của phương tiện này. Anh tự mình xắn quần, lội ruộng, kéo giàn sạ hàng gieo vài sào lúa. Những ngày sau, lúa bắt đầu lên thưa thớt thì bị chuột phá hại vài đám. Anh Thanh kể: Vợ tôi nhìn thấy ruộng lúa như vậy chỉ muốn phá đi, cấy lại. Nhưng tôi kiên quyết giữ. Đến lúc gặt, ruộng lúa gieo thẳng đạt năng suất 3 tạ/sào, ít bị sâu, bệnh, tiết kiệm công chăm sóc. So với gieo vãi bằng tay và cấy mạ dược, gieo lúa bằng giàn sạ hàng có hiệu quả cao hơn. Thấy vậy, nông dân xã tôi mới “tâm phục, khẩu phục”. Hiện nay, nông dân Lê Ninh đã mua nhiều giàn sạ hàng để gieo lúa.
Cũng ở xã Lê Ninh, đầu năm 2009, anh Bùi Văn Khiên mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Nông dân trong xã háo hức thuê máy gặt mới. Sử dụng máy gặt có các ưu điểm: tiết kiệm chi phí gặt và tuốt lúa, nâng cao năng suất lao động, giảm hao hụt sản phẩm và đẩy nhanh thời vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến vụ mùa 2009, anh Khiên gặp không ít khó khăn do máy gặt chỉ xén đến lưng cây lúa, phần rạ thừa vẫn còn dài. Người dân Lê Ninh có nhiều diện tích trồng vụ đông nên cần gặt sát gốc. Do vậy, nơi nào không làm vụ đông thì người dân mới thuê máy gặt. Anh Thanh đã “xắn tay” cùng các chủ máy gặt tìm cách giải quyết khó khăn. Anh chủ động liên hệ với các xã lân cận và ở các huyện khác để tìm ruộng gặt. Để nông dân bớt khó khăn khi mua máy gặt mới, anh đề xuất với cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với nguồn vốn kích cầu của Chính phủ.
Năm nay, ngành nông nghiệp trong tỉnh chỉ đạo nông dân dùng ni-lông che phủ diện tích mạ sân, mạ dày xúc để phòng, chống các loại rầy gây ra bệnh lùn xoắn lá. Đối với diện tích mạ dược, việc che phủ ni-lông sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, anh Thanh đã ứng dụng hiệu quả kỹ thuật làm mạ luống có che phủ ni-lông từ nhiều năm qua. Gieo mạ trên sân sẽ tốn công làm đất và vận chuyển ra đồng. Nếu che phủ ni-lông ở diện tích mạ dược sẽ phải dùng nhiều ni-lông, khó che phủ, do diện tích dược rộng và dễ bị gió mạnh làm đổ. Vốn thường xuyên đọc báo Nông nghiệp Việt Nam, anh tiếp thu được kỹ thuật làm mạ luống có che phủ ni-lông. Tự mình ứng dụng qua nhiều vụ sản xuất, cuối cùng, anh Thanh cũng thành công. Kỹ thuật làm mạ này gần giống với làm mạ trên sân, nhưng “sân” ở đây chính là một khoảng đất nhỏ ở ngay đầu bờ ruộng. Hiện nay, thay vì làm mạ dược, phần lớn nông dân xã Lê Ninh đã làm mạ luống có che phủ ni-lông, vừa tránh được rét, vừa phòng ngừa được sâu, bệnh.
Nhà anh Thanh cấy 6 sào ruộng. Xã Lê Ninh có 400ha đất canh tác. Từ thửa ruộng nhà anh Thanh, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được nhân rộng ra toàn xã.
Sáng tạo trong sản xuất lúa
Tháng 12 vừa qua là mốc thời gian đáng nhớ nhất trong năm của anh Đoàn Đình Úy, nông dân xã An Đức (Ninh Giang). Trong Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, anh Úy là một trong số 50 nông dân của cả nước được nhận Bằng khen “Nông dân sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng. Ở tỉnh ta, anh Úy là nông dân duy nhất được nhận bằng khen này. Hội đồng xét thưởng ghi nhận anh Úy là một trong những nông dân đi đầu trong việc gieo cấy lúa lai, lúa chất lượng cao ở tỉnh Hải Dương và dùng các phương tiện kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, giá trị cây lúa.
Vụ mùa năm 2003, anh Úy cấy 1,2 mẫu lúa. Thời gian này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa giống Bắc ưu 903 làm mô hình trình diễn, với quy mô 5ha tại địa bàn xã An Đức. Lúc đó, lúa lai vẫn khá xa lạ với người dân trong tỉnh. Anh Úy đã đi đầu trong việc gieo cấy giống lúa lai mới ở những thửa ruộng của gia đình. Là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Cường, anh Úy cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân gieo cấy giống lúa lai mới. Mỗi vụ sản xuất, HTX kết hợp với các đơn vị khác tổ chức ít nhất 7 buổi tập huấn quy trình kỹ thuật cho nông dân. Để nông dân yên tâm sản xuất, ban chủ nhiệm HTX cam kết sẽ bồi thường thiệt hại nếu sản xuất lúa lai không hiệu quả. Nhờ vậy, mô hình đầu tiên về giống lúa lai ở An Đức đã thành công. Những năm tiếp theo, diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao của HTX tiếp tục được mở rộng. Diện tích canh tác của HTX là 225ha, chiếm 71,6% tổng diện tích canh tác toàn xã. Vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy các giống lúa lai, lúa chất lượng cao là 209ha, chiếm 93% diện tích của HTX. Cũng từ vụ chiêm xuân 2008-2009, HTX khuyến cáo nông dân không cấy giống 13/2, X21, Xi23, Q5. Toàn bộ diện tích lúa của xã viên đã được gieo bằng giàn sạ hàng. Hiện nay, HTX sở hữu 16 giàn sạ hàng. Do có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên HTX đã trở thành một địa chỉ tin cậy đối với cơ quan chức năng để thực hiện các mô hình khuyến nông hằng năm.
Để có thành công trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, anh Úy cũng có lần thất bại. Vụ chiêm xuân 2006-2007, HTX làm mô hình trình diễn giống lúa TH3-4. Do chỉ đạo gieo cấy sớm vài ngày nên khi lúa trỗ bông gặp rét kéo dài. Hạt lúa bị lép, năng suất giảm. Anh Úy thẳng thắn nhận trách nhiệm năng suất kém là do chỉ đạo sai. HTX đã bồi thường 200 nghìn đồng/sào cho nông dân tham gia mô hình.
Chủ trang trại năng độngCông nhân chăm sóc hoa cúc tại trang trại của anh Nguyễn Văn Chiến, ở xã Ái Quốc (TP Hải Dương)
Cuối tháng 12, những luống hoa trong trang trại của anh Nguyễn Văn Chiến, 38 tuổi, ở thôn Ngọc Trì, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) đang được chăm sóc cẩn thận để “đón” Tết Dương lịch 2010. Hơn chục công nhân cần mẫn cắt tỉa, tưới nước cho hoa ly, hoa cúc... Trang trại của anh là một trong những nơi trồng hoa có quy mô lớn và cơ sở hạ tầng tốt nhất tỉnh hiện nay. Trang trại có diện tích 1,3ha ươm các cây giống và trồng hoa thương phẩm. Trong đó, 1 mẫu ruộng trồng giống hoa cúc, 3 sào hoa loa kèn, diện tích còn lại trồng 18 nghìn củ hoa lay ơn và hoa ly.
Năm 2000, anh Chiến chỉ có 1 sào trồng hoa. Nhận thấy trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã đổi ruộng và thuê, mua đất để lập trang trại. Nhưng quá trình tích tụ ruộng đất của anh không hề đơn giản. Đầu tiên, anh chạy vạy khắp nơi để vay vốn. Mặc dù anh sẵn sàng đổi những chân ruộng tốt, tưới tiêu chủ động, gần đường giao thông, nhưng nhiều hộ vẫn “không nghe”. Anh phải tích cực vận động, chi thêm tiền mới có được các mảnh ruộng liền kề nhau. Sau khi có đất, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Chỉ cần một trận mưa to, một đợt nắng kéo dài, cây hoa sẽ bị ảnh hưởng nặng. Vậy làm cách nào để giảm rủi ro? Câu hỏi ấy là động lực giúp anh Chiến lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc để học hỏi kinh nghiệm. Mỗi khi đọc một cuốn sách, xem một chương trình trên ti-vi, thấy có cách làm hay ở các địa phương khác, anh cố gắng thu xếp đến tham quan. “Mình phải học từng ngày. Từ cách tưới nước cho hoa, cách điều khiển hoa nở đúng thời điểm đều tự học. Kỹ thuật làm nhà lưới, nhà có mái che cũng là kinh nghiệm có được khi tham quan mô hình tại Trường Đại học Nông nghiệp 1”, anh Chiến chia sẻ. Anh đã đầu tư 300 triệu đồng để dựng 5.000m2 nhà mái che, nhà lưới để trồng hoa. Cũng từ ngày có mô hình này, trang trại của anh đã giảm được thiệt hại do thời tiết gây ra.
Vì sản xuất hoa với số lượng lớn nên anh Chiến cố gắng tạo lập mạng lưới tiêu thụ tốt. Những ngày đầu, anh đến các cửa hàng bán hoa, cơ sở trồng hoa để chào hàng. Làm ăn có uy tín, nên người đến trang trại của anh mua hoa ngày càng đông. Anh mạnh dạn trồng những giống hoa mới, đòi hỏi chi phí sản xuất và kỹ thuật canh tác cao để tạo ưu thế về thị trường và hiệu quả kinh tế.
Năm nay, dù mới ở tuổi 38, nhưng anh Chiến đã là một chủ trang trại “đáng nể” trong giới trồng hoa của tỉnh. Năm 2008, tổng giá trị thu được từ việc bán cây giống và hoa thương phẩm đạt 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi 120 - 150 triệu đồng. Ước tính năm nay, lợi nhuận thu được của trang trại cũng tương đương năm trước.
Đó chỉ là 3 gương nông dân tiêu biểu hiện nay. Trong tỉnh còn hàng nghìn nông dân năng động, sáng tạo, mạnh dạn nuôi, trồng các giống cây, con mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Những nông dân thời hội nhập đã vượt qua được tư duy manh mún, tiểu nông trước kia để từng bước vươn lên sản xuất lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó thực sự là những điển hình nông dân của thời đại mới, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần làm giàu cho quê hương.
NINH TUÂN