Thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, người dân Thanh Hà quyết tâm trồng ổi xuất khẩu, đưa loại trái cây này ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Vạn (bên phải) ở thôn Ngoại Đàm (xã An Phượng) mong muốn trong tương lai gần quả ổi sẽ được tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định hơn
Kỳ công
Hơn 30 năm trồng ổi nên ông Nguyễn Văn Vạn ở thôn Ngoại Đàm, xã An Phượng hiểu khá rõ đặc tính của loại cây này. Dù nhiều lần giá ổi xuống thấp nhưng ông vẫn không muốn chuyển sang trồng cây khác. Năm 2021, khi huyện Thanh Hà có chủ trương quy vùng trồng ổi xuất khẩu, ông Vạn tiên phong tham gia. Không những vậy, ông còn vận động những hộ có vườn lân cận cùng làm để tìm ra hướng đi mới cho quả ổi.
Gia đình ông Vạn có 2 mẫu ổi, mỗi năm cho thu lãi từ 150-200 triệu đồng, nhưng 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên lãi ít. Khác với quy trình trồng ổi truyền thống, ổi xuất khẩu đòi hỏi nông dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục quy định, không còn dư lượng thuốc khi thu hoạch, bảo đảm sản phẩm sạch. Trong quá trình chăm sóc ổi, việc sử dụng các loại phân bón đều được ghi tỉ mỉ trong nhật ký sản xuất để cán bộ nông nghiệp kiểm tra. Ông Vạn cũng như nhiều người khác trong vùng hầu như ngày nào cũng ở vườn để chăm sóc ổi, cắt tỉa cành... Vì thế vào vùng ổi xuất khẩu ở xã An Phượng như vào vườn cây cảnh. Trong những vườn ổi ở đây không hề có bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi. Ông Vạn cho biết: "Mặc dù đã có kinh nghiệm trồng ổi nhiều năm nhưng nay áp dụng quy trình làm ổi xuất khẩu, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ vì yêu cầu rất khắt khe, không thể phun thuốc bảo vệ thực vật như trước. Tuy nhiên, ai cũng có ý thức trồng ổi sạch với mong muốn trong tương lai gần quả ổi sẽ được tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định hơn".
Bà Nguyễn Thị Hội ở thôn Mạc Thủ 1, xã Liên Mạc cũng rất vui mừng khi được tham gia vào vùng sản xuất ổi xuất khẩu. Để ổi sạch, ngay từ khi quả non, bà Mạc và nông dân ở đây đã phải bọc quả để tránh sâu bệnh, tạo một lớp áo ngăn không cho thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào quả. Nông dân cũng thường xuyên cắt tỉa cành, tạo sự thông thoáng cho vườn; lắp đặt hệ thống nước tưới tự động để chăm bón thuận lợi hơn. Mỗi gốc cây ổi được đánh số thứ tự, theo dõi sự phát triển để đối chiếu, so sánh, rút kinh nghiệm trong sản xuất.
Năm 2020, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) xuất 8 tấn ổi Thanh Hà đầu tiên sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) bằng đường biển. Ổi được lựa chọn thu mua ở các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang... với giá cao hơn thị trường. Năm nay nếu tiêu thụ thuận lợi và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng, doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường, quy mô xuất khẩu.
Quan tâm đầu tư
Xác định ổi là cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua, huyện Thanh Hà đã phát triển, quy vùng sản xuất ổi. Huyện hiện có gần 2.000 ha ổi, trong đó 300 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Địa phương đã quy hoạch 66 vùng sản xuất ổi tập trung, quy mô từ 10 ha trở lên với tổng diện tích 853 ha. Các vùng sản xuất ổi tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu 42,65% sản lượng hằng năm.
Nhằm nâng cao giá trị quả ổi, đầu năm 2021, huyện quy hoạch 2 vùng ổi đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu rộng 20 ha ở các xã Liên Mạc, An Phượng với 107 hộ tham gia. Mỗi ha tại 2 vùng này được tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật. Cán bộ nông nghiệp tỉnh và huyện đã tổ chức tập huấn các điều kiện, quy trình cần thiết cho các hộ dân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bố trí cán bộ phối hợp tổ trưởng các tổ sản xuất ổi xuất khẩu để nắm bắt tình hình, hướng dẫn nông dân trồng ổi.
Tuy nhiên, hạn chế của ổi Thanh Hà là chỉ ngọt vào vụ thu đông khi có nắng hanh khô, còn những vụ khác đa phần chất lượng kém, hay bị bấc lòng. Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết người trồng ổi cần tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ổi, điều tiết nước, chăm bón đúng thời điểm để quả ổi bảo đảm chất lượng, ngon, ngọt quanh năm. Đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu khi làm ổi xuất khẩu. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy thế mạnh liên kết vùng sản xuất ổi, xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu bền vững cho địa phương. Để quả ổi tiêu thụ thuận lợi ở thị trường nước ngoài, thời gian tới các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tiếp tục đồng hành với huyện kết nối doanh nghiệp xuất khẩu, khẳng định giá trị quả ổi Thanh Hà.
MINH NGUYỆT