Sau cơn bão số 3, huyện Thanh Hà (Hải Dương) bị ngập úng kéo dài khiến cho nhiều diện tích vải bị chết. Dù chưa phải mùa xuân nhưng với bề dày kinh nghiệm sản xuất, nhiều nông dân đã bắt đầu trồng lại vải.
Chủ động
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Nhân Hiền, xã Thanh Quang có hơn 3 mẫu vải sớm thì bị chết 7 sào (60 cây). Toàn bộ diện tích vải sớm của gia đình ông năm nào cũng cho thu hoạch với năng suất cao. Năm nay nhiều cây chết, những cây còn lại cũng bị ảnh hưởng đến sinh trưởng. Có sẵn giống và kinh nghiệm trồng vải lâu năm nên không chờ tới mùa xuân, ngay từ giờ gia đình ông Hoàng đã bắt đầu trồng lại diện tích vải bị hỏng.
Ngay sau khi nước rút, gia đình ông Hoàng tập trung dọn vườn, chặt bỏ những cây vải đã hỏng và thuê máy về làm đất, vun xới vồng vườn, thanh thải môi trường và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất trước khi trồng lại vải. Ông Hoàng cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi lại lựa chọn cành vải đẹp để chiết rồi giâm, chăm sóc kỹ càng để trồng gối vào những cây cằn cỗi chứ không nghĩ phải trồng lại nhiều cùng một lúc như năm nay”.
Gia đình ông Vũ Đức Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập cũng có hơn 60 cây vải bị chết. Ông Nhuận nổi tiếng ở huyện Thanh Hà với kinh nghiệm sản xuất vải cho thu hoạch sớm nhất, bán với giá cao. Năm nay do ảnh hưởng của bão, lũ nên ngoài việc hồi phục “sức khỏe” cho những cây vải còn sống thì ông Nhuận cũng lên phương án trồng lại toàn bộ diện tích đã bị chết và ưu tiên làm lại vồng vườn cao hơn trước để tránh ngập úng.
“Hiện tại gia đình tôi có 300 cành vải sớm đang giâm ở vườn, ngoài phục vụ cho gia đình thì tôi đang bán dần cho người quen. Năm nay nhiều xã trong khu bị hỏng vải nên người dân tìm khắp nơi để mua đúng giống. Đây đều là giống vải sớm được chiết từ vườn nhà nên bảo đảm nguồn gốc, đúng giống vải thiều sớm Thanh Hà”, ông Nhuận nói.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang cho biết thời điểm này hanh khô nên trồng cây khó khăn, nhất là về nguồn nước tưới. Nếu hộ nào bảo đảm được nước, giữ độ ẩm thường xuyên cho đất thì vẫn trồng cây được.
Bảo đảm quy hoạch vùng
Toàn huyện Thanh Hà có khoảng 3.200 ha vải, trong đó khoảng 1.700 ha trà vải sớm, khoảng 1.500 ha trà vải chính vụ. Sau cơn bão số 3, huyện có 262 ha vải bị chết vì ngập úng kéo dài, tập trung ở 4 xã khu Hà Đông gồm: Thanh Quang, Vĩnh Lập, Thanh Hồng, Thanh Cường vì khu này nền đất trũng, xung quanh nhiều sông nên bị ngập lâu.
Theo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Hà, vải sớm trồng ở các xã khu Hà Đông, vải thiều chính vụ trồng ở các xã khu Hà Nam. Nhiều năm trở lại đây vải thiều sớm là cây mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho nhân dân khu Hà Đông. Vì đây là cây ăn quả lâu năm nên bây giờ trồng lại cũng phải 5 năm sau nông dân mới được thu hoạch. Vải thiều sớm cũng là đặc sản nên huyện Thanh Hà yêu cầu các HTX nông nghiệp tích cực tuyên truyền nông dân sử dụng đúng giống vải sớm của Thanh Hà để trồng, bảo đảm chất lượng, không trồng những loại cây khác phá vỡ quy hoạch vùng, không mua vải ở những nơi không rõ nguồn gốc.
Theo số liệu chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến ngày 8/10, nông dân đã trồng lại được khoảng 10% số diện tích vải đã chết. Từ nay đến cuối năm, nông dân các xã khu Hà Đông dự kiến trồng khoảng 50%, còn lại sẽ trồng vào mùa xuân năm 2025.
Bên cạnh diện tích vải phải trồng lại, UBND huyện Thanh Hà yêu cầu các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền cho nông dân tập trung chăm chút toàn bộ diện tích từng bị ngập úng, bởi tuy không bị chết nhưng sẽ ảnh hưởng phần nào tới cây vải. Các cơ quan chuyên môn huyện Thanh Hà đã tuyên truyền cho nông dân vun gốc, phun thuốc trị nấm hoặc các chế phẩm kháng nấm để giúp cây phục hồi nhanh. Khi bộ rễ cây đã phục hồi tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá để tăng cường khả năng phát triển, sinh trưởng của cây. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã và nông dân theo dõi sát tình hình sinh trưởng của cây, tình hình sâu bệnh hại sau mưa bão nhằm đưa ra khuyến cáo kịp thời, phù hợp tình hình sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Ngô Bá Định, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất bảo đảm vải thiều đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, đánh giá, giống vải sớm được giâm, chiết khá nhiều trong dân nên huyện không lo về nguồn giống cũng như chất lượng. Thời điểm này tuy không phải là mùa trồng cây nhưng ở những khu vực nông dân chủ động được nguồn nước và có kinh nghiệm chăm sóc thì có thể trồng lại. Huyện yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi tập trung bảo đảm nước tưới tại các vùng nông dân trồng lại vải, cung cấp nguồn nước tốt nhất cho nông dân sản xuất, tái tạo cây trồng.
MINH NGUYÊN