Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả đặc sản đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con nông dân trong huyện...
Nhìn khu trang trại quy mô, hệ thống chuồng trại được xây kiên cố, ít ai nghĩ chủ nhân của nó là một người đã ngoài 70 tuổi. Đó là trang trại của ông Nguyễn Danh Chọn ở thôn Phượng Đầu, xã Phượng Hoàng (Thanh Hà). Đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi với diện tích hơn 7.000 m2 của mình, ông Chọn cho biết: "Tôi xây dựng trang trại này từ năm 2007. Trang trại có 4 khu chuồng nuôi được trang bị hệ thống điều hòa, bảo đảm ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Hiện nay trang trại có 10 nghìn gà mẹ, 2.500 gà hậu bị, mỗi ngày cung cấp 8.000-8.500 quả trứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi 50 triệu đồng/tháng". Do quy mô chuồng trại khép kín, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được quan tâm, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh được thực hiện nghiêm ngặt nên mặc dù nuôi với số lượng lớn song trong những năm qua, trang trại của gia đình ông Chọn chưa từng xảy ra dịch bệnh.
Năm 2000, bên cạnh 2,5 mẫu vải, anh Nguyễn Cung Xứng ở thôn Tứ Cường trồng thêm 5 sào nhãn. Đến năm 2004, sau một thời gian quả vải rớt giá, anh tự chiết cành trong vườn, mở rộng diện tích nhãn lên 3 mẫu, trong đó có 2,5 mẫu trồng xen cùng quất và ổi. Từ lợi nhuận ban đầu, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình đã có 6 mẫu vườn, trong đó khoảng 4,5 mẫu nhãn, 1 mẫu ổi, 5 sào vải. Trung bình mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh còn tích cực học hỏi các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trên sách, báo, in-tơ-nét, áp dụng vào sản xuất. Từ đó, anh đã có bí quyết ghép ổi, quất cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, anh đã nắm được kỹ thuật cho nhãn ra quả sớm hơn so với thông thường, tỷ lệ ra hoa ổn định giúp nâng cao thu nhập. Năm 2010, anh đã thử nghiệm trên một số cây, bước đầu có hiệu quả. Cuối năm 2011, anh áp dụng trên tất cả 500 gốc nhãn trong vườn. Trong đó, một nửa anh để nhãn cho ra quả sớm hơn khoảng 1,5 tháng so với nhãn đầu mùa, số còn lại cho ra quả vào cuối vụ. Đây đều là những thời điểm giá bán cao. Đến nay, nhãn sớm bắt đầu nở hoa, nhãn muộn cũng bắt đầu ra hoa, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Nhìn thành quả của mình, anh Xứng vui vẻ chia sẻ: “Để có được kết quả hôm nay là sự cố gắng của gia đình. Bên cạnh đó còn là sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã. Thông qua hội, tôi đã được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua thêm đất, mở rộng sản xuất".
Những năm qua, nhiều gia đình ở xã Cẩm Chế đã nhanh chóng phát triển kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Gia đình anh Tiêu Văn Dư ở thôn Nhân Lư là một trong những hộ như vậy. 7 năm gần đây, anh phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Trên diện tích gần 2 mẫu vườn, anh trồng 6 sào chuối, hơn 1 mẫu quất. “Mùa nào thức nấy” nên gia đình anh có nguồn thu nhập cả năm. Riêng dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình anh thu 60 triệu đồng từ chuối. Quất cho năng suất ổn định 1 tấn/sào/năm. Bên cạnh trồng trọt, anh kết hợp chăn nuôi. Khu chăn nuôi được xây dựng kiên cố với 4 gian chuồng nuôi lợn, 4 chuồng nuôi gà. Trung bình mỗi năm gia đình anh nuôi khoảng 60 con lợn (2 lứa/năm), gần 2.000 con gà (6 lứa/năm). Bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế này.
Từ làm vườn và chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Tiêu Văn Dư ở xã Cẩm Chế thu nhập 200 triệu đồng