Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh ở huyện Ninh Giang diễn ra sôi nổi, triển khai nhiều mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả cao.
Mỗi năm trang trại đà điểu Trung Kiên ở xã Hồng Phong đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng
Lợi nhuận cao
Năm 2014, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi), gia đình bà Đặng Thị Tròn ở xã Hồng Phong đã chọn nuôi đà điểu thay vì lợn, gia cầm hay đào ao thả cá và thành lập trang trại đà điểu Trung Kiên. “Lúc mới nuôi đà điểu, gia đình tôi vất vả lắm, từ việc lấp ao đến xây chuồng trại. Hơn nữa, trên địa bàn huyện chưa có mô hình nào để chúng tôi học hỏi", bà Tròn cho biết.
So với những con khác, nuôi đà điểu tương đối nhàn, chỉ cần cho ăn và dọn vệ sinh. Đà điểu gần như không có bệnh nên không phải dùng thuốc kháng sinh. Để có sản phẩm sạch, bà Tròn trồng cỏ, mua thóc về chế biến thành cám cho đà điểu ăn. Hiện nay, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường trên 100 con đà điểu thương phẩm. Ngoài ra, trang trại duy trì 170 con đà điểu sinh sản, mỗi năm xuất bán khoảng 1.000 con giống. Không chỉ tiêu thụ ở trong nước, con giống còn được xuất sang Lào.
Mỗi năm trang trại đà điểu Trung Kiên đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau nhiều lần tìm tòi, thử nghiệm, ông Bùi Đức Duyệt ở thôn Văn Hội (xã Văn Hội) đã mang giống khoai lang chân vịt từ Hưng Yên về trồng. Do phù hợp với đồng đất Văn Hội nên khoai cho củ to, bở và thơm ngon. Với diện tích 2,5 mẫu, mỗi năm trồng 2 vụ, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 200-250 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Duyệt tích cực chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ dây khoai giống cho các hộ khác trong thôn. Đến nay, thôn Văn Hội đã có 20 hộ chuyên trồng loại khoai này với diện tích trên 10 mẫu. Ông Trần Văn Vạn, một hộ dân trong thôn cho biết: “Nhờ ông Duyệt hỗ trợ, gia đình tôi đã chuyển sang trồng khoai mấy năm nay với diện tích gần 1 mẫu, mỗi sào lãi từ 4-5 triệu đồng/vụ".
Đồng hành cùng nông dân
Để thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Ninh Giang, Hội Nông dân huyện có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, trong đó nổi bật là hỗ trợ vốn. Đến nay, hội đã xây dựng được 32 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 3.124 thành viên, dư nợ gần 185 tỷ đồng; 95 tổ tiết kiệm vay vốn, với 2.325 hộ vay, dư nợ 91,3 tỷ đồng. Năm nay có 425 hội viên được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển SXKD. Các chi hội và Hội Nông dân xã đang quản lý trên 2,5 tỷ đồng nguồn vốn từ hội viên đóng góp giúp nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hội viên thiếu vốn phát triển kinh tế.
Ông Lê Đình Đoan, Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Long đầu tư mua 5 máy cấy để làm mạ khay cấy máy diện tích 600 mẫu/năm phục vụ nông dân trong và ngoài xã. Cuối năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của huyện, của tỉnh, ông tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất mạ khay. “Tôi rất phấn khởi khi được các cấp, ngành hỗ trợ về vốn vay. Nhờ nguồn vốn này, chúng tôi có thể mở rộng SXKD, làm giàu cho mình cũng như quê hương", ông Đoan nói.
Trong 3 năm qua, huyện Ninh Giang có 26.877 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi 4cấp, chiếm 72,2% số hộ đăng ký, trong đó có 18 lượt hộ SXKD giỏi cấp Trung ương, 1.618 lượt hộ SXKD giỏi cấp tỉnh. Đánh giá về phong trào SXKD giỏi tại địa phương, ông Vũ Hồ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Giang cho biết từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, làm phong phú, đa dạng các mô hình kinh tế của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Những năm tới, hội tiếp tục khuyến khích, động viên nông dân thực hiện nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả hơn nữa.
THANH HÀ