5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng, cao hơn mặt bằng chung của huyện.
Khu chuyển đổi của gia đình ông Trần Văn Hới ở xã Nam Trung (Nam Sách)
thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm
Xã Nam Trung (Nam Sách) có 1.556 hộ với 5.600 nhân khẩu nhưng chỉ có 260 ha đất canh tác. Để nâng cao đời sống nhân dân, những năm qua, xã tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế điểm, tăng cường hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, khuyến khích nông dân đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể khai thác triệt để các nguồn vốn giúp nhân dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ giải quyết mặt bằng cho các hộ sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề để kinh doanh dịch vụ… Đến nay, toàn xã đã chuyển hơn 40 ha đất trũng, cấy lúa bấp bênh sang đào ao, thả cá, chăn nuôi theo mô hình VAC, thu hút hơn 60 hộ tham gia, thu lãi bình quân 70 -100 triệu đồng/năm. Xây dựng được 10 cánh đồng chuyên canh, mỗi cánh đồng rộng 5 - 15 ha, gieo cấy các giống lúa lai, lúa chất lượng cao. Xã còn có thế mạnh về thâm canh cây vụ đông, hầu như năm nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch. Ngoài hơn 200 ha trồng cây vụ đông của xã, nhân dân còn đi thuê hoặc đổi diện tích ở xã khác để trồng màu. Bình quân thu lãi từ cây vụ đông năm 2010 đạt 55 - 60 triệu đồng/ha. Điển hình là thôn Mạn Đê thu hút gần 100% số gia đình tham gia trồng màu và có 20 - 30% số hộ giàu lên từ trồng cây vụ đông. Xã còn có 15 doanh nghiệp, hơn trăm hộ làm nghề cơ khí, gò, hàn, mộc, xây dựng, buôn bán, kinh doanh dịch vụ hàng nông sản... Năm 2010, Nam Trung có 561 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, có 6 hộ đạt cấp trung ương, 57 hộ đạt cấp tỉnh, 231 hộ cấp huyện.
Khu chuyển đổi của gia đình ông Trần Văn Hới tại cánh đồng Thàng làm không ít bà con nông dân khu vực nể phục. Năm 1999, ông Hới đấu thầu 5,9 mẫu đất trũng, sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh và quy hoạch thành khu chăn nuôi. Hiện tại, ông có khoảng 4 mẫu ao chuyên nuôi cá thịt. Diện tích còn lại ông xây chuồng lợn, nuôi 8 con lợn nái, 70 - 80 con lợn thịt và hàng trăm con gà nuôi bán công nghiệp. Bình quân mỗi năm ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Thôn Mạn Đê có nhiều mô hình kinh tế điển hình của xã. Đồng chí Hồ Xuân Sở, Trưởng thôn cho biết: Thôn hiện có 125 ha đất canh tác, chia thành 5 khu vực sản xuất. Vụ nào, thôn cũng xây dựng được cánh đồng chuyên canh 1 vùng 1 giống. Năm đầu tiên thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh, thôn chỉ có 1 vùng 10 ha với gần 100 hộ tham gia thì đến nay đã quy hoạch được 3 vùng, thu hút 250 hộ tham gia.
Năm 2004, thôn Mạn Đê được công nhận là làng nghề chế biến nông sản. Đến nay, thôn có khoảng 150 hộ trong tổng số 800 hộ xây lò sấy, chủ yếu là hành, tỏi. Vụ sấy cao điểm diễn ra từ tháng 12 âm lịch năm trước đến tháng 4 năm sau. Bình quân mỗi lò sấy được 3 - 5 tạ hành khô/ngày và thu lãi 100 - 150 triệu đồng/năm, nhiều lò lớn như Công ty TNHH Hoa Mai, Minh Quân… thu lãi hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 -30 lao động và hàng trăm lao động thu gom, vận chuyển sản phẩm/lò. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 15 triệu đồng.
Nghề sấy nông sản không chỉ phát triển mạnh ở thôn Mạn Đê mà còn ở cả các thôn khác. Ông Nguyễn Văn Bến, Giám đốc Công ty TNHH Bến Thành, thôn Thụy Trà cho biết: “Công ty có 3 dây chuyền sấy lá hành, mủa, trong đó có 2 dây chuyền tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành và 1 tại tỉnh Nghệ An, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm. Công ty tạo việc làm ổn định cho 45 lao động, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng và hàng nghìn lao động thời vụ. Công ty đang được xã hỗ trợ mở rộng hơn 5.000 m2 diện tích mặt bằng để mở rộng sản xuất…
Đẩy mạnh phát triển kinh tế trọng điểm đã tác động đến tăng trưởng kinh tế của xã. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng, cao hơn mặt bằng chung của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn 8,9% (của tỉnh 11,5%).
Trong những năm tới, Nam Trung tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định đi liền với tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 - 18 triệu đồng.
THU LAI