Trong 4 năm qua, Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh được thể hiện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
|
Hội Nông dân huyện Kinh Môn trao nhà cho gia đình bà Trương Thị Lanh, hộ nông dân nghèo xã Hoành Sơn. Ngôi nhà có diện tích 35m2, tổng kinh phí xây dựng 45 triệu đồng, các cấp hội hỗ trợ gần 10 triệu đồng
|
Từ học tập...Để CVĐ thực sự tới với từng hội viên nông dân, các cấp hội đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Bên cạnh việc tổ chức các buổi học tập theo chuyên đề, các cấp hội phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị mở các lớp tập huấn cho cán bộ hội học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Trong 4 năm qua, các cấp hội đã tổ chức 57 lớp tập huấn cho hơn 5.580 cán bộ hội cơ sở; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở hơn 2.500 tin, bài về các hoạt động, nêu gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện CVĐ. Thông qua các buổi sinh hoạt, các cấp hội lồng ghép nội dung chuyên đề của CVĐ, những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác để tuyên truyền tới hội viên. Bên cạnh đó, các hội cơ sở còn tổ chức buổi giao lưu văn nghệ “Bài ca dâng Bác”, thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thu hút sự tham gia của hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên... Để nêu gương cho hội viên, các cán bộ hội đều viết bản đăng ký cá nhân làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hội, tạo điều kiện cho hội viên được đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và hội, trong 4 năm qua, các cấp hội đã tổ chức trên 710 buổi thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, hội viên... Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức tuyên truyền, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Hội, riêng năm 2010, toàn tỉnh tổ chức được 4.132 buổi cho gần 349 nghìn lượt hội viên.
...đến làm theoTừ năm 2009, các cấp HND trong tỉnh đã chuyển sang thực hiện “làm theo” bằng những việc làm cụ thể. Tiêu biểu như giữa năm 2009, HND tỉnh ra Nghị quyết 02 về “Thực hành tiết kiệm giúp nông dân nghèo” đã được các cấp hội quán triệt sâu rộng tới từng cán bộ, hội viên như cách làm “Hũ gạo tiết kiệm” của Bác năm xưa. Theo nghị quyết này, các cán bộ hội từ tỉnh tới cơ sở tự nguyện quyên góp từ 10-50 nghìn đồng/người/tháng; các cấp hội từ tỉnh tới cơ sở đều tiết kiệm chi tiêu để giúp nông dân nghèo, mỗi tổ chức hội tiết kiệm từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/năm để giúp hội viên nông dân nghèo sửa chữa nhà dột nát, mua đồ dùng sinh hoạt thiết yếu... Tiêu biểu trong phong trào này là HND huyện Kinh Môn, nơi thực hiện sớm nhất nghị quyết này và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Riêng trong năm 2010, các cấp hội trong huyện đã tiết kiệm được gần 490 triệu đồng. Hội phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ xây nhà cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 578 triệu đồng. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng nhà cho hội viên, các tổ chức cơ sở hội xây dựng 22 công trình phụ cho nông dân nghèo, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 65 triệu đồng... Trong năm qua, các cấp hội đã trích gần 150 triệu đồng từ “Quỹ tiết kiệm giúp nông dân nghèo” tặng quà cho 1.293 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với việc vận động cán bộ, hội viên tiết kiệm ủng hộ hội viên nghèo, HND tỉnh còn có chủ trương mỗi cán bộ hội và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) có trách nhiệm nhận giúp đỡ trực tiếp một hội viên nghèo. Từ mô hình này, đã có nhiều hộ được giúp đỡ và vươn lên thoát nghèo. Như gia đình anh Bùi Quý Thắng ở thôn An Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) trước đây là hộ nghèo nhất xã, cả nhà có 6 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng và gánh đậu phụ. Năm 2007, anh Thắng thầu lại được 3 ao với tổng diện tích 9 sào, nhưng không có vốn để đầu tư. Năm 2008, sau khi xem xét hoàn cảnh gia đình anh Thắng, ông Trần Văn Vượng, Trưởng Ban Tuyên huấn HND tỉnh đã quyết định nhận giúp bằng cách cho vay 5 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Cùng với số tiền đó, anh được vay thêm 15 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân huyện. Anh đầu tư nuôi cá và kết hợp nuôi ngan, vịt. Không chỉ giúp hội viên về vốn, ông Vượng còn trực tiếp nhờ các cán bộ của Trung tâm Dịch vụ và Giới thiệu việc làm HND tỉnh về hướng dẫn anh Thắng từ cách giữ vệ sinh ao, tới chăm sóc cá, cách thu hoạch cá... Nhờ vậy, vụ đầu tiên anh thu lãi gần 30 triệu đồng; cuối năm 2009, gia đình anh Thắng đã vươn lên thoát nghèo...
Các cấp hội cơ sở đã gắn việc thực hiện CVĐ với các phong trào cụ thể của hội. Các cấp hội đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng cho hơn 55 nghìn lượt hội viên vay với tổng số dư nợ gần 1.000 tỷ đồng; tổ chức trên 1.500 lớp dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 120 nghìn lượt hội viên, chủ yếu các nghề: may mặc, tin học, cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt... Nhờ vậy, chỉ tính riêng năm 2010, toàn tỉnh đã có 131.580 hộ đạt danh hiệu SXKDG 4 cấp; xây dựng thí điểm gần 400 mô hình câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc thúc đẩy kinh tế phát triển, các tổ chức hội cơ sở còn vận động hội viên tham gia các phong trào khác như xây dựng gia đình văn hóa, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh có trên 200 nghìn hộ đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Các cấp hội tích cực vận động hội viên đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và trong đời sống. Qua các đợt vận động hội viên huy động được gần 400 tấn lương thực, trên 30 nghìn cây, con giống các loại và gần 80 nghìn ngày công lao động, giúp đỡ 5.854 hộ nông dân khó khăn có thêm tiền vốn và vật tư để đầu tư sản xuất... Chính CVĐ đã góp phần đẩy mạnh hơn các phong trào của hội, giúp hội viên thêm gắn bó với tổ chức hội.
TÂM PHÚC