Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng và bảo vệ lợi ích của chính người sản xuất, một số nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng nhãn hiệu nông sản.
Măc dù đã có nhãn hiệu riêng nhưng phần lớn sản lượng cá giòn của gia đình anh Trần Đình ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) vẫn phải bán trôi nổi
Đây là bước tiến lớn trong quá trình thay đổi nhận thức của người dân để phù hợp hơn với điều kiện sản xuất mới.
Tạo niềm tin
Sau một thời gian ấp ủ ý tưởng, lên kế hoạch thực hiện, cuối năm 2018, anh Trần Đình ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) đã có nhãn hiệu cá giòn Trần Đình cho riêng mình. Hiện mỗi con cá nuôi tại cơ sở của anh bán ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh là có thể nắm bắt được toàn bộ quy trình sản xuất, từ khi làm con giống đến lúc tới tận tay người tiêu dùng. Anh Đình cho biết: “Ngoài tập trung sản xuất, tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể bảo vệ sản phẩm mình làm ra, tránh bị trà trộn, đánh tráo trên thị trường. Dưới sự tư vấn, định hướng của Hội Nông dân TP Chí Linh, tôi đã quyết định xây dựng nhãn hiệu cá của gia đình thông qua việc làm tem truy xuất”. Gia đình anh Đình hiện có 60 lồng cá, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 3,5 tấn cá giòn. Không chỉ làm nhãn hiệu chung, mỗi loại cá anh đều thông tin tỉ mỉ, chi tiết về đặc tính sinh trưởng, phương pháp thâm canh để khách hàng tin tưởng, an tâm sử dụng.
Hơn 10 năm theo nghề buôn bán nông sản khắp trong Nam, ngoài Bắc nên anh Nguyễn Văn Nam ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) hiểu rõ nhất giá trị của nhãn hiệu đối với việc tiêu thụ nông sản. Năm 2017 khi rẽ hướng sang làm nông nghiệp công nghệ cao, anh đã nhanh chóng xây dựng nhãn hiệu nhà vườn Nam Nhung để có thể dễ dàng nhận diện nông sản của gia đình sản xuất với các sản phẩm cùng loại khác. Anh Nam khẳng định: “Với nhiều nông dân, việc làm nhãn hiệu có vẻ xa vời, thiếu thực tế do sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, song với tôi đây là yếu tố quyết định. Dù thời gian đầu sẽ không thấy hiệu quả ngay nhưng có ý nghĩa về lâu dài. Nhãn hiệu chính là giấy thông hành để nông sản tiếp cận thị trường, nhất là trong nhà hàng, siêu thị”. Vì có nhãn hiệu riêng nên các sản phẩm sản xuất tại nhà vườn Nam Nhung đều cung ứng cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội chứ không bán trôi nổi trên thị trường.
Còn khó khăn
Gia đình anh Nam đã xây dựng nhãn hiệu nhà vườn Nam Nhung nhằm tiêu thụ nông sản thuận lợi
Việc xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản là giải pháp hàng đầu giúp phát huy tối đa hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những nhãn hiệu tập thể, người dân quan tâm làm nhãn hiệu cá thể, tạo thuận lợi trong tiêu thụ, nhưng việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu còn gặp nhiều khó khăn.
2 năm nay, HTX Nông sản sạch Nam Vũ (Thanh Hà) cung cấp ổi và rau sạch cho các siêu thị và cửa hàng tiện ích của VinGroup. Do HTX mới được thành lập trên cơ sở gắn kết các hộ dân nên chưa làm nhãn hiệu. Theo chị Lương Thị Cúc, đại diện HTX, hiện HTX đã hoàn thành các điều kiện để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, song các dấu hiệu nhận diện như logo, bao bì và đăng ký bảo hộ vẫn chưa triển khai thực hiện được. "Xuất phát điểm của HTX là từ hộ sản xuất cá thể, để có thể tạo niềm tin với khách hàng thông qua nhãn hiệu nông sản rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Có như vậy, HTX mới có thể trở thành địa chỉ cung ứng nông sản tin cậy cho nhiều đơn vị", chị Cúc mong mỏi.
Mặc dù đã có nhãn hiệu riêng nhưng phần lớn sản lượng cá giòn của gia đình anh Đình vẫn phải bán trôi nổi. Theo anh Đình, với nông dân việc tiếp cận được thị trường cao cấp không phải là chuyện đơn giản. "Tuy nhãn hiệu cá giòn Trần Đình vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả song tôi có niềm tin và lạc quan với quy trình sản xuất bài bản, khoa học. Nhãn hiệu nông sản không chỉ giúp khẳng định chất lượng mà còn thể hiện trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm làm ra. Và chắc chắn, những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ được người tiêu dùng đón nhận", anh Đình hy vọng.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc người dân chủ động xây dựng nhãn hiệu nông sản chứng tỏ họ đã có ý thức và trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Điều này sẽ giúp loại bỏ dần tư duy sản xuất chộp giật, từng bước hình thành một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp. Sở đang phối hợp với các đơn vị tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nông dân làm nhãn hiệu. Sở sẽ khảo sát, chọn lọc các mô hình sản xuất có tiềm năng của hộ dân trong tỉnh để định hướng xây dựng nhãn hiệu phù hợp. Nhãn hiệu cá thể sẽ đóng vai trò gốc rễ, góp phần xây dựng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu nông sản uy tín cho toàn tỉnh.
DŨNG CƯỜNG