Nông dân Kinh Môn sản xuất, kinh doanh giỏi

16/11/2011 08:16

Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thực sự hiệu quả, thời gian qua, HND các cấp trong huyện tập trung nhân rộng các chi hội nghề nghiệp.


Với mô hình nuôi gà Ai Cập, mỗi ngày anh Trần Thế Chiến ở thị trấn Kinh Môn thu lãi gần 200 nghìn đồng


Chị Trần Thị Triển, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Kinh Môn cho biết, để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thực sự hiệu quả, thời gian qua, HND các cấp trong huyện tập trung nhân rộng các chi hội nghề nghiệp. Đến nay, hội đã thành lập được 5 chi hội nghề nghiệp ở các xã An Sinh, Minh Hòa, Duy Tân, Hiệp Sơn và thị trấn Kinh Môn. Trong đó, có 3 chi hội nghề nghiệp chăn nuôi tổng hợp, 1 chi hội sinh vật cảnh và 1 chi hội nuôi thủy sản. Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi tổng hợp của HND thị trấn Kinh Môn hiện có 37 hội viên. Theo anh Phạm Văn Thành, Chủ tịch HND thị trấn Kinh Môn, các thành viên trong chi hội thường xuyên giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, đều được Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (HND tỉnh) cấp chứng chỉ học nghề chăn nuôi. Anh Trần Thế Chiến, ở khu dân cư Kinh Hạ cho biết, trước đây anh chủ yếu nuôi lợn, mỗi năm xuất ra thị trường 7 lứa, mỗi lứa 12 - 15 con, thu lãi hơn 70 triệu đồng. Đầu năm 2009, thông qua sinh hoạt với các thành viên cùng chăn nuôi ở thị trấn, anh nhận thấy mô hình nuôi chim cút đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên anh quyết định đầu tư nuôi thử 3.000 con. Nhờ sự giúp đỡ của những thành viên khác về kinh nghiệm, đến nay, anh đã nâng tổng số chim cút lên 9.000 con, trong đó hơn 7.000 chim cái. Do đã có kiến thức trong phòng, trừ dịch bệnh nên chim cút hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mỗi ngày, gia đình anh thu trên 5.000 quả trứng, giao cho các cơ sở ấp nở chim giống hoặc chim cút lộn, thu lãi gần 500 nghìn đồng. Đầu năm 2011, anh Chiến mạnh dạn đầu tư nuôi 200 con gà Ai Cập. Hiện nay, mỗi ngày anh thu 150 - 160 quả trứng gà,  lãi gần 200 nghìn đồng.

Chi hội Nghề nghiệp sinh vật cảnh của HND xã An Sinh thu hút được 38 hội viên tham gia. Anh Nguyễn Đình Trường, Chủ tịch HND xã An Sinh cho biết, trước đây, những người chơi sinh vật cảnh thường kinh doanh tự phát, hiệu quả kinh tế không cao. Để giúp những người chơi sinh vật cảnh gắn kết với nhau, có thể trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cũng như tạo thương hiệu, HND xã đã thành lập chi hội nghề nghiệp sinh vật cảnh. Đến nay, mỗi hội viên có từ 20 - 50 cây cảnh có giá trị. Điển hình như cây cảnh của các anh Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Quang Kiên cùng ở thôn Nghĩa Vũ; Nguyễn Văn Quyện ở thôn Văn Ổ… cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc tự giúp nhau phát triển kinh tế, chi hội nghề nghiệp cũng được HND các cấp cho vay 200 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân.

Bên cạnh việc hình thành các chi hội nghề nghiệp, những năm qua, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư nuôi, trồng những con, cây có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi đà điểu của chị Nguyễn Thị Bình ở thị trấn Minh Tân; mô hình nuôi ba ba của ông Phạm Bá Trung ở xã Thái Thịnh, mô hình nuôi chim cút của anh Trần Đức Nghĩa ở xã Quang Trung... Trải qua hơn 20 năm nuôi cá giống, đầu năm 1999, nhận thấy nhu cầu của thị trường về thịt ba ba cao nên ông Phạm Bá Trung ở xã Thái Thịnh quyết định chuyển hướng sang đào ao nuôi ba ba, chủ yếu là ba ba  lai Thái Lan với ba ba truyền thống. Theo ông Trung, ba ba lai có sức đề kháng cao, lượng đạm lớn, thịt thơm, được thị trường ưa chuộng. Ban đầu do chưa có vốn, ông nuôi 2 ao với trên 250 con, mỗi ao hơn 1 sào. Đến nay, ông có 7 ao, trong đó 3 ao ba ba sinh sản với 300 cặp, còn lại là ba ba thương phẩm và ba ba giống. Mỗi năm, ông bán ra thị trường trên 700 con ba ba thương phẩm, với trọng lượng trung bình 1,5 kg, thu lãi gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông cũng bán trên 3 vạn con ba ba giống, với giá 8-10 nghìn đồng/con, thu lãi trên 120 triệu đồng/năm.

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Kinh Môn những năm qua đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tích cực tham gia. Ngay từ đầu năm, HND các cấp đã phát động đến các hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2011, toàn huyện có trên 14.400 hộ nông dân đăng ký, qua bình xét có gần 13 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, chiếm 90% số hộ đăng ký, 40% số hộ nông nghiệp. Để giúp nông dân phát triển kinh tế, HND các cấp đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, triển khai đăng ký mua phân bón trả chậm, tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế…



 MINH MẪN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Kinh Môn sản xuất, kinh doanh giỏi