Nông dân khốn đốn vì cá chết

10/06/2017 14:37

Những ngày qua, nhiều nông dân lao đao vì cá nuôi trong ao bất ngờ chết hàng loạt.



Thời tiết thay đổi, thiếu ô xy khiến cá chết nhiều


Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (43 tuổi) ở thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) nuôi cá được gần 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên cá trong ao nhà anh bất ngờ chết nhiều như vậy. Ba ngày nay, ngày nào anh Tuấn cũng phải vớt cá chết, có ngày chết gần 150 con, chủ yếu là  cá trắm, chép, trôi, trọng lượng từ 4-8kg/con. Anh Tuấn cho biết thêm, trên địa bàn xã Văn Tố, gia đình nào nuôi cá cũng gặp hiện tượng này.

Cá chết không chỉ xuất hiện ở Văn Tố mà còn xảy ra ở hầu hết các địa phương của Tứ Kỳ. Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết, toàn huyện hiện có 1.750 ha nuôi thủy sản, tập trung ở các xã Văn Tố, Tân Kỳ, Đại Đồng, Quảng Nghiệp, Tiên Động, Quang Phục, Dân Chủ, Minh Đức... Một vài ngày qua, cán bộ chuyên môn của phòng ghi nhận về việc cá chết ở hầu hết ao nuôi trên địa bàn huyện. Tỷ lệ cá chết rất nhiều, phổ biến từ 20-30%, cá biệt có nơi lên đến 50%.

Cá chết cũng diễn ra ở một số địa phương khác trong tỉnh như huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện… Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Tiến Nhất (47 tuổi) ở thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) phải huy động thêm 2 máy bơm nước, chạy máy tạo khí cho gần 14 mẫu nuôi thủy sản để hạn chế cá chết. “Gia đình tôi có 4 ao nuôi cá thịt, trọng lượng cá từ 4-10 kg/con. Có ngày, chết gần 8 tạ cá, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng”, anh Nhất nói. Anh Nhất cho biết thêm ở đây có gia đình cá chết trắng ao.



Cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ nắm tình hình và tư vấn
cách phòng chống hiện tượng cá chết

Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên nhân cá chết được xác định do nhiệt độ thay đổi lớn, nắng nóng kỷ lục kéo dài nhiều ngày sau đó nhiệt độ hạ nhanh, mưa lớn trên diện rộng trong khi mật độ cá trong ao lớn dẫn đến thiếu ô xy, khiến cá chết ngạt. Việc người dân cho cá ăn quá nhiều, lượng thức ăn tồn dư lớn khiến môi trường nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá.

Theo ông Tình, đầu hè, chi cục đã có văn bản yêu cầu các địa phương hướng dẫn và tuyên truyền cho nông dân cách phòng chống nóng cho cá, chú ý đến điều kiện thời tiết có thể nắng nóng kéo dài, nền nhiệt ở mức cao, kèm theo mưa giông lốc dễ phát sinh dịch bệnh, thiếu ô xy trong ao nuôi có thể khiến cá chết hàng loạt. Chi cục khuyến cáo người nuôi cá lưu ý nhiệt độ mùa hè cao, hoạt động của vi sinh vật phân hủy hợp chất hữu cơ trong nước diễn ra nhanh, kèm theo tiêu hao nhiều ô xy hòa tan dẫn đến thiếu ô xy trong nước. Do vậy, các hộ nuôi cá cần tăng cường ô xy hòa tan vào ao nuôi bằng cách bơm nước mới, dùng máy sục khí vào thời điểm từ 4 - 6 giờ sáng. Duy trì độ sâu mực nước ao từ 1,5 m trở lên, thay nước ao nuôi từ 1-2 lần/tuần. Ao không có điều kiện thay nước nên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước và đáy ao nuôi, giảm mật độ cá nuôi bằng cách thu hoạch tỉa 1/3 - 1/2 lượng cá trong ao, nếu cá giống phải giảm 1/3 lượng cá...



Bơm nước và sử dụng máy sục khí để tạo ô xy cho cá

Vào thời điểm nhiệt độ cao trên 36 độ C kéo dài có thể giảm 50% lượng thức ăn cho cá. Những ngày cá nổi nhiều để lấy ô xy phải dừng cho cá ăn 2 - 3 ngày liền. Thời gian cho cá ăn vào 9 - 10 giờ sáng, thức ăn thô như cỏ, rau xanh nên cho ăn vào 4 - 5 giờ chiều. Thức ăn thừa sáng hôm sau phải vớt hết để hạn chế ô nhiễm nước ao.


   ĐỨC TÂM - VĂN QUYẾT



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân khốn đốn vì cá chết