Nhu cầu sử dụng máy cấy trong vụ mùa của nông dân đang tăng cao bởi khung thời vụ gấp gáp và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.
Ông Trần Văn Tiện ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) đã phải đăng ký trước 20 ngày
mới thuê được máy cấy cho 5,5 sào ruộng của gia đình
Thế nhưng do lượng máy cấy có hạn nên không đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân.
Nhu cầu lớnGần 2 tuần nay, nhiều nông dân ở các thôn My Cầu, Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) đến 2 HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong và Mộ Trạch đăng ký thuê máy cấy nhưng không được. Bà Vũ Thị Ước ở thôn My Cầu cho biết: "Sử dụng máy cấy 2 vụ, tôi thấy cấy bằng máy cho năng suất cao hơn so với cấy thủ công. Hơn nữa, lúa cứng cây, thẳng hàng nên dễ chăm sóc, không lo bị đổ khi có mưa bão. Vụ này, tôi định thuê máy cấy cho 4 sào lúa của gia đình nhưng nhiều lần tới HTX đăng ký mà không được vì máy cấy đã quá tải”.
Vụ mùa này, bà Vũ Thị Tuyn ở khu 6, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) cũng không thuê được máy cấy. Theo bà Tuyn, thuê cấy bằng máy giá 250.000 đồng/sào, vẫn rẻ hơn so với thuê cấy bằng tay hay thuê công tỉa vãi vì đã bao gồm cả mạ khay. Hơn nữa, cấy máy số lượng cây lúa ít hơn nên chi phí phân bón cũng giảm được từ 10-15% mỗi sào.
Theo ông Vũ Đình Tam, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, hầu hết người dân thôn Mộ Trạch đều muốn thuê máy cấy nhưng hiện đang thiếu máy. Các vụ trước nông dân thuê máy của ông Cao Văn Lâm ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện), nhưng vụ này, ông Lâm chỉ nhận cấy máy cho một số diện tích nhất định vì không đáp ứng được nhu cầu cấy máy quá lớn của bà con.
Ông Lâm cho biết: “Vụ này, bà con đăng ký cấy máy nhiều hơn so với các vụ trước nên cơ sở của tôi làm không xuể. Tôi chung vốn với 2 người khác mua 3 máy cấy Kubota Nhật Bản nhưng cũng chỉ nhận cấy cho 100 mẫu ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện), 140 mẫu ở xã Tân Hồng và 110 mẫu ở xã Thúc Kháng (Bình Giang). Chưa năm nào tôi thấy thời gian chuyển vụ gấp như năm nay nên tôi không dám nhận thêm sợ không bảo đảm khung thời vụ cho bà con”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, toàn huyện đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa nên nhu cầu cấy máy của bà con nông dân rất lớn. Toàn huyện hiện có 4 máy cấy cỡ lớn và khoảng 30 máy thủ công nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của bà con nông dân.
Vướng ở khâu sản xuất mạ khayHiện nay, không nhiều chủ máy sản xuất được mạ khay bởi phải có vốn và quy trình đồng bộ. Tối thiểu chủ máy phải có máy làm đất, máy gieo hạt, khay, hệ thống tưới nước và không gian rộng. “Tôi đã phải đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất mạ khay rộng 1,5 mẫu. Vụ xuân vừa qua, tôi sản xuất được khoảng 3 vạn khay mạ. Nhiều chủ máy cấy về chỗ tôi để mua lại mạ. Nhưng khu sản xuất mạ có hạn nên không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, nhiều chủ máy, có máy cấy nhưng lại không có mạ để cấy”, ông Cao Văn Lâm nói.
Thực tế, việc sản xuất mạ khay chỉ cần tuân thủ theo quy trình. Nếu được hướng dẫn mỗi hộ đều có thể tận dụng không gian của gia đình để sản xuất mạ khay. Khi đã chủ động được mạ rồi thì việc thuê máy sẽ không quá khó khăn.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất, giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Hiện tại, sở đã triển khai Đề tài “Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền, đổi thửa tại tỉnh Hải Dương” và đã đưa máy cấy vào sản xuất trên diện tích 100 ha tại 3 huyện Cẩm Giàng, Bình Giang và Kinh Môn. Sử dụng máy cấy hiệu quả kinh tế tăng thêm 30%/ha so với sản xuất lúa theo phương pháp thủ công. Nhiều hộ sau khi tham gia vào mô hình mong muốn mở rộng diện tích cấy bằng máy. Tuy nhiên, do vướng ở khâu sản xuất mạ khay nên số diện tích cấy máy chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Thời gian tới, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho triển khai xây dựng mô hình sản xuất mạ khay để hướng dẫn bà con quy trình làm mạ, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
MAI LINH