Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài suốt gần 1 tháng qua đã ảnh hưởng lớn đến cây trồng vật nuôi của các hộ nông dân. Đến nay, đã có khoảng 15% diện tích mạ bị táp lá, 10 tấn cá thịt và 72,5 vạn con cá giống đã chết.
|
Ông Nguyễn Kim Cheng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ) kiểm tra mạ |
Gần 1 tháng nay, người nông dân lao đao trong "cuộc chiến" với giá rét. Nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng. Trang trại của ông Chu Trọng Thứ ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) có hơn 2 mẫu ao, 300 con lợn nái, lợn thịt và 1.000 con gà thương phẩm. Trong những ngày rét đậm, rét hại, các chuồng trại đều được che chắn cẩn thận, bên trong trang bị hệ thống bóng đèn, đèn chụp bằng ga, điện để sưởi ấm cho lợn và gà. Đây đều là lợn, gà thương phẩm nên khả năng chống chịu rét tốt, chưa bị ảnh hưởng. Hơn 2 mẫu ao của ông đã được thả bèo, rau muống hoặc dùng bạt che kín các góc ao, bơm nước giữ ấm đáy ao, sử dụng chế phẩm để xử lý nấm trên cá, nhưng những ngày qua, một số loại cá chịu rét kém như rô phi, rô đồng, chim trắng đã bị chết. Ông Thứ cho biết khoảng 5 tạ rô phi, rô đồng và chim trắng bị chết, may là cá vẫn còn nhỏ, nên thiệt hại kinh tế không nhiều.
Trên cánh đồng Dâu ở thôn Tân Thượng, xã Liên Hồng (Gia Lộc), chị Nguyễn Thị Hà vừa tát nước lên ruộng mạ đã ngả sang màu đen, vừa phân trần: "Nhà tôi cấy 1,2 mẫu ruộng, để có mạ cấy, từ giữa tháng 12 - 2010, tôi đã gieo gần một sào mạ các giống Q5, P6 và Xi 23. Khi gieo xong thì trời trở rét, cứ nghĩ chắc rét chỉ qua loa như mọi năm, nên tôi chủ quan không che ni-lông. Thấy rét kéo dài, tôi cũng hơi lo. Nhưng do gia đình có việc bận, đến khi quay lại đã thấy cây mạ bị táp hết lá, chuyển sang màu vàng. Khi nhổ lên thấy rễ thâm đen, mạ đã hỏng". Chỉ vì chủ quan, chị đã mất mấy trăm ngàn tiền mua thóc giống. Bây giờ, chị lại chuẩn bị chân ruộng để gieo đợt mạ mới. Không chỉ ruộng của chị Hà, những ruộng chung quanh cũng trong tình trạng tương tự. Ruộng không phủ ni-lông thì mạ chết, nhiều ruộng phủ ni-lông nhưng không chèn kỹ, gió lùa vào cũng khiến cây mạ còi cọc, không phát triển được.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ chiêm xuân 2010 - 2011, toàn tỉnh gieo khoảng 1.300 ha mạ trà xuân sớm, chủ yếu là các giống 13/2, X21, Xi23. Ngay khi có đợt rét đậm thứ 2, Sở đã có công văn yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường các biện pháp giữ ấm cho mạ. Về cơ bản nông dân thực hiện nghiêm túc các quy trình chống rét theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ do chủ quan, lơ là dẫn đến nhiều diện tích mạ đã bị chết do rét. Nhiều người gieo mạ khi thời tiết xuống thấp, không che phủ ni-lông, hoặc che phủ qua loa, không kiểm tra khiến gió lùa vào trong ruộng. Trời rét kéo dài, nhưng nhiều hộ không giữ nước trên ruộng hoặc không rắc tro bếp, phân mục... theo hướng dẫn khiến chân ruộng bị khô, cây mạ mất nước dẫn đến chết. Đến hết ngày 21-1, toàn tỉnh đã có khoảng 15% diện tích mạ bị táp lá, đen rễ, chủ yếu là giống 13/2. Những diện tích này khó có khả năng phục hồi. Còn theo thống kê của Chi cục Thủy sản, gần 10 tấn cá thịt và 72,5 vạn con cá giống đã chết do rét, tập trung ở một số loại chịu rét kém như rô phi, rô đồng, chim trắng... Nếu rét còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới thì các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè, trôi... cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chi cục đã hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho cá như: bơm nước vào ao mức trên 1,5m để giữ ấm đáy ao; kiểm soát chặt việc sử dụng thức ăn, tránh không để thức ăn dư thừa; bó rơm khô thành những bó nhỏ thả xuống ao làm chỗ trú ẩn cho cá; dùng bèo tây hoặc ni-lông, vải bạt che phủ góc ao. Đặc biệt không được kéo lưới kiểm tra, san cá, bán cá giống khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 18 độ C.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu rét kéo dài thêm khoảng 1 tuần, không chỉ diện tích mạ còn lại mà các loại vật nuôi khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sức chịu đựng của cây trồng, vật nuôi đã tới hạn. Vì thế, nông dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp chống rét và tăng sức đề kháng cho cây trồng, vật nuôi. Các địa phương cần chủ động nguồn giống dự phòng, chuyển diện tích trà xuân sớm sang diện tích trà xuân muộn cấy bằng mạ sân. Nông dân cũng cần chú ý giữ ấm cho đàn vật nuôi như lợn, gà vì thời gian qua ở một số huyện đã xuất hiện hiện tượng lợn con, gà con chết do rét.
SONG THỦY