Trong khi nhiều nông dân chán nản, bỏ ruộng hoang thì vẫn còn không ít người bám đồng, gom ruộng quyết chí làm giàu.
Vùng đất bãi Trại Tằm vốn canh tác bấp bênh được anh Đào Huy Du cải tạo thành vùng sản xuất rau màu xuất khẩu
Đánh thức ruộng hoangSự phát triển của công nghiệp khiến những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật của xã Tân Trường (Cẩm Giàng) trở nên tiêu điều, xơ xác. Khu công nghiệp được xây dựng, người dân có công việc mới với thu nhập ổn định nên lơ là, chểnh mảng với ruộng vườn.
Lam lũ với ruộng đồng gần nửa đời người nên khi có cơ hội thoát khỏi nghề nông cực nhọc, vất vả, anh Bùi Văn Sơn (sinh năm 1976, ở thôn Chi Khê) cũng có ý định ly nông, hăm hở xin vào làm công nhân. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những thửa ruộng màu mỡ ngày nào bỗng chốc tan hoang, cỏ lau, cỏ lác mọc quá đầu người, anh Sơn không khỏi chạnh lòng. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định tiếp tục gắn bó với nông nghiệp. Năm2010, vợ chồng anh Sơn xin cấy khu ruộng bỏ hoang của thôn. Nhớ lại quãng thời gian vật lộn với từng tấc đất, anh Sơn tâm sự: "Người ta muốn rũ ruộng ra còn tôi lại muốn ôm vào. Thấy vợ chồng tôi không quản đêm ngày đổ mồ hôi để cải tạo khu đồng hoang, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Mọi cố gắng, công sức của chúng tôi bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng". Gia đình anh Sơn nhận cấy 50 mẫu ruộng của gần 300hộ trong xã, cho thu lãi gần 100triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn đầu tư 3 máy cày, 2 máy gặt để vừa phục vụ gia đình, vừa làm dịch vụ.
Người ta muốn rũ ruộng ra còn tôi lại muốn ôm vào. Thấy vợ chồng tôi không quản đêm ngày đổ mồ hôi để cải tạo khu đồng hoang, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. |
|
Hơn 3 năm nay, cánh đồng Dậm ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) được hồi sinh bởi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của anh Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1975, ở khu 2). Ít ai có thể ngờ rằng khu đồng tốt tươi, trù phú này trước kia chỉ toàn lau sậy, mảnh sành, gạch vỡ vứt ngổn ngang. Rẽ từng khóm lúa xanh mỡ màng đang thì con gái, anh Khải hân hoan nói: "Đồng Dậm được ví như cánh đồng chết bởi là rốn nước của vùng. Canh tác khó khăn, thu thì ít, mất thì nhiều. Chính vì vậy, từ lâu không còn ai đoái hoài đến khu vực này. Khi tôi đứng ra thuê ruộng, người dân còn cho không. Nhưng hiện tại, khi khu đất chua trũng, quanh năm sình lầy sinh lời thì ai cũng tiếc rẻ". Tuy nhiên, để có được thành quả này, anh Khải phải trải qua không ít gian nan, có những lúc tưởng chừng như vô vọng. Bắt tay gây dựng lại hơn 20 ha đất từ con số không, anh Khải phải tính toán tỉ mỉ, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp nếu không sẽ trắng tay. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, anh xây dựng mô hình lúa, cá kết hợp. Ý tưởng đã có nhưng việc thực hiện lại không hề dễ dàng. Khu đồng không có hệ thống tiêu thoát nước nên cứ mưa là ngập. Lúa bị sâu bệnh, năng suất thấp, cá chết nhiều. Chán nản, nhiều khi anh muốn bỏ cuộc, song nghĩ tới đất đai bị lãng phí anh lại không đành lòng. Sau thất bại ban đầu, anh đầu tư bài bản, đào đắp lại bờ kênh, bờ vùng. Anh chọn những giống lúa có khả năng chống chịu với ngập úng, thả các loại cá truyền thống, ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Để tăng thêm thu nhập, hạn chế ốc bươu vàng hại lúa, giữa hai vụ lúa, anh nuôi thêm 2.000 con vịt chạy đồng. Nhờ kết hợp linh hoạt giữa các mô hình sản xuất mà mỗi năm gia đình anh Khải thu lãi hơn 100 triệu đồng từ khu đồng hoang hóa ngày nào.
Thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tâm lý muốn ăn chắc, ngại thay đổi của nông dân đã khiến sản xuất nông nghiệp không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn, thậm chí còn chìm sâu trong khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu như gạt bỏ được tư tưởng tiểu nông, hướng tới sản xuất lớn thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng. Những nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, vượt qua được tư duy sản xuất vốn bị bó hẹp sẽ gặt hái được thành công. Đúng như anh Sơn khẳng định: "20ha đất nếu để gần 300 hộ canh tác sẽ không những không cho thu lãi mà còn phải bù lỗ. Còn nếu thu về một mối, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ cầm chắc thắng lợi".
Còn nhiều trăn trở
Anh Nguyễn Văn Khải đã vực dậy cánh đồng hoang bằng mô hình lúa, cá, chăn vịt thả đồng cho thu nhập cao
Khu đất bãi Trại Tằm mang diện mạo mới kể từ khi anh Đào Huy Du (sinh năm 1979) ở thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) gom những mảnh ruộng nhỏ lẻ của 250hộ dân để trồng rau màu với quy mô lớn. Anh phải mất gần 3năm để vận động, thuyết phục nông dân cho thuê ruộng với giá từ 1-1,3 triệu đồng/sào/năm. Dù mới đi vào sản xuất được hơn 1 năm nhưng mô hình sản xuất của anh Du đã mang lại "làn gió mới" làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. Mặc dù đất bãi màu mỡ song người dân chỉ trồng ngô phẩm cấp thấp để nuôi lợn, gà còn anh Du lại hướng tới những loại nông sản có thể xuất khẩu như ớt, ngô ngọt, mùng tơi Hàn Quốc... Đặc biệt, anh là người mang cây cà rốt về với đất bãi Ninh Giang, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho vùng đất này. Anh Du còn liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Sản xuất suôn sẻ, thuận lợi, hướng phát triển sắp tới cũng được anh hoạch định rõ ràng, tuy nhiên anh Du vẫn canh cánh trong lòng nhiều nỗi lo. "Thời hạn thuê đất chỉ có 5 năm trong khi đầu tư ban đầu rất lớn, cần phải có thời gian dài để thu hồi vốn, có lợi nhuận. Khi biết tôi gom ruộng làm giàu, gia đình, họ hàng phản đối kịch liệt. Càng như vậy, tôi càng quyết tâm chứng tỏ cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng đắn. Thế nhưng vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước khiến tôi phải bận tâm. Trong suốt quá trình thực hiện, tôi phải một mình loay hoay, xoay xở cùng với nỗi lo ruộng đất có thể bị đòi lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, dù tâm huyết nhưng tôi vẫn không dám đầu tư lớn", anh Du cho hay.
Trước câu hỏi có khi nào muốn bỏ cuộc, anh Khải nhìn xa xăm về phía cánh đồng lúa trải dài nói: "Có nhưng rồi sẽ qua". Vốn xuất thân thuần nông nhưng anh Khải chỉ nhận là nông dân tay ngang bởi sau một thời gian làm nông nghiệp vất vả, gia đình phải chạy ăn từng bữa, anh đã chuyển sang nghề sửa chữa điện thoại. Nhưng rồi nặng lòng với đồng ruộng, anh quay lại với công việc vất vả nặng nhọc mà ai cũng muốn rũ bỏ. Đổ nhiều mồ hôi, công sức nên anh càng trân trọng từng tấc đất, quyết chí bám ruộng, giữ đồng. Tuy nhiên, anh vẫn nặng trĩu những tâm tư. Vực dậy cả "cánh đồng chết" nhưng chủ yếu là tự lực nên nhiều khi anh Khải thấy đuối sức. Khu đồng đã mang lại cho anh thu nhập khá song cũng không đủ để anh thực hiện mong muốn biến nơi đây thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Mọi dự định, ước mơ có thể bị dập tắt nếu không có sự giúp sức, hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng.
Để có được những thửa ruộng vuông vức, bằng phẳng, mương máng tưới tiêu thuận lợi, vợ chồng anh Sơn phải dày công cải tạo. Song sức lực và tiền bạc có hạn, mặt khác ruộng cũng chỉ là đi mượn nên anh không thể đầu tư lâu dài. Anh Sơn phàn nàn: "Vì là ruộng bỏ hoang nên xã ít quan tâm tới việc làm thủy lợi và đường ra đồng. Do vậy, chúng tôi gặp nhiều bất lợi trong chăm sóc và thu hoạch lúa. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e rằng mình sẽ phải trả lại ruộng. Mong mỏi lớn nhất của tôi là có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đầy đủ để an tâm gieo cấy. Nếu được như vậy, hộ nào bỏ ruộng, tôi sẵn sàng xin cấy. Vừa rồi, tôi cũng nắm bắt được thông tin những hộ tích tụ ruộng đất lớn sẽ được nhận hỗ trợ 5triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu muốn nhận hỗ trợ, tôi phải xin đủ gần 300 chữ ký của các hộ bỏ ruộng. Thủ tục như vậy không khác gì đánh đố những người gom ruộng. Tôi nhận ruộng bỏ hoang qua thôn, qua xã thì thủ tục hỗ trợ cũng chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận là đủ".
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngành nông nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung. Để làm được điều này, phải loại bỏ dần tư duy sản xuất manh mún, chộp giật. Những nông dân gom ruộng làm giàu đã cho thấy những thay đổi lớn trong suy nghĩ, nhận thức của họ về sản xuất nông nghiệp. Những mô hình tích tụ ruộng đất này cần phải được quan tâm, động viên bằng những chính sách hỗ trợ kịp thời. Có như vậy mới có thể nuôi dưỡng được những ý tưởng, ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp và ngành nông nghiệp mới có thể tái cơ cấu bền vững.
DŨNG CƯỜNG