Ngày 23-5-1958, đến dự và nói chuyện với Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III, Bác Hồ phân tích:
Muốn phát triển tốt hơn thì phải quan tâm đến thủy lợi, sản xuất tập thể, cải tiến kỹ thuật và thi đua yêu nước.
Bác đánh giá rất cao vai trò của nông nghiệp và nhắc nhở các đại biểu cần vận động bà con nông dân tổ chức nhau lại để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn sản xuất tốt phải chú ý các khâu liên hoàn “nhất nước, nhì phân, tam cần và tứ là cải tiến kỹ thuật”.
Không chỉ tại đại hội, trước và sau này, Bác Hồ đều nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn của mọi vấn đề xã hội. Bác xem nông dân và nông nghiệp là khởi điểm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người không chỉ quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho nông dân mà còn chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, chỉ ra hướng đi cho nông thôn, nông dân. Người khẳng định: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh.
Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn sâu rộng, Hồ Chí Minh có quan điểm độc đáo sát hợp: Trong một nước nông nghiệp như Việt Nam, cơ sở và tiền đề của công nghiệp hóa là nông nghiệp; phải bắt đầu từ nông dân và lấy nông nghiệp làm khâu đột phá. Đánh giá cao vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng Người không bao giờ tuyệt đối hóa vai trò của nông nghiệp.
Người khẳng định, phát triển nông nghiệp là tạo cơ sở, tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa nền kinh tế, trong đó có cả nông nghiệp. Đồng thời, đó cũng là quá trình công nghiệp hóa chính nền sản xuất nông nghiệp. Người chỉ rõ: Nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta… Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường.
Những việc làm của Bác trong nông nghiệp, cách thức tiếp cận, chia sẻ vất vả với nông dân; cùng những thành tựu đạt được sau 27 năm đổi mới đã khẳng định lại một lần nữa những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến nay còn nguyên giá trị.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)