Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nông dân ở huyện Gia Lộc thuê đất sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.
Vụ trước, mỗi ha đất thuê của gia đình chị Vũ Thị Bổn ở thôn Đươi, xã Đoàn Thượng cho thu nhập hơn 80 triệu đồng.
Trong ảnh: Chị Bổn thuê lao động thu hoạch cà tím
Huyện Gia Lộc cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nông dân thuê đất, mở rộng diện tích, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn.
Thuê lại ruộng hoangVụ này, về cánh đồng xóm Đáy, thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) không còn những thửa ruộng để hoang, cỏ mọc ngang lưng, thay vào đó là những ruộng ngô nếp, ngô ngọt, cải bắp, su hào vụ đông đang lên xanh mơn mởn. Chị Vũ Thị Bổn là người tiên phong ở thôn Đươi rời làng ra cánh đồng này thuê đất làm vụ đông. Nhớ lại những ngày đầu đổ mồ hôi, khơi từng đoạn kênh mương, đắp từng bờ ruộng, chị Bổn cho biết: “Cánh đồng này xa làng, lại không tiện nước tưới nên mấy năm gần đây, nông dân để ruộng hoang. Năm 2010, tôi mạnh dạn thuê 2 ha đất của gần chục hộ ở cánh đồng này để canh tác. Thời hạn thuê trong 5 năm với giá 10 triệu đồng/ha”. Hiện nay, hơn 2 ha đất thuê đã được chị Bổn phân thành các vùng riêng biệt để trồng các loại rau màu khác nhau. Những thửa ruộng cao chị trồng dưa hấu, dưa lê, đu đủ. Ở những nơi thấp, gần nguồn nước, chị trồng cải bắp, su hào, cà tím và cải dưa. Ngoài những người thân trong gia đình, chị Bổn còn thuê thêm 2 nhân công trong làng làm thuê theo thời vụ với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Bổn, thuê đất sản xuất tập trung có thuận lợi cho việc đưa máy vào làm đất, quản lý sâu bệnh và bán nông sản.
Không muốn bỏ nghề nông, bác Phạm Nghi Xuyến ở thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang cũng đã mạnh dạn thuê hơn 1 ha ruộng bỏ hoang của 8 hộ ở thôn Đông Hào, xã Quang Minh cũng trong 5 năm để trồng rau màu với giá 8 triệu đồng/ha. Bác Xuyến cho biết: "Đưa cả nhà ra cánh đồng hoang vu này, ban đầu tôi cũng băn khoăn lắm! Nhưng nhờ có sự động viên, khích lệ của gia đình và chính quyền địa phương nên tôi càng vững tâm hơn". Hiện nay, hơn 1 ha đất bác Xuyến thuê đã được trồng su hào, cải bắp, ngô nếp và bí xanh.
Chị Bổn và bác Xuyến là những người mạnh dạn thuê đất để canh tác cả 3 vụ, còn anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Bượi Quang, xã Phạm Trấn chỉ thuê đất 1 vụ đông để trồng rau màu. Anh Bình cho biết: "Quỹ đất làm vụ đông ở thôn tôi hạn hẹp nên tôi quyết định sang thôn Côi Thượng cùng xã thuê 3 ha đất để trồng cây vụ đông. Ở thôn này, do có nhiều gia đình chỉ cấy 2 vụ mà không làm vụ đông nên vụ này đất bỏ hoang nhiều. Do đó, chúng tôi rất dễ dàng đến thuê, mượn đất. Đến nay, tôi đã vận động được 8 hộ dân trong thôn cho thuê 3 ha đất liền mảnh ở cánh đồng giáp với xã Phạm Kha với số tiền thuê 500 nghìn đồng/sào. Trên 3 ha đất thuê, tôi đã trồng su hào và cải bắp".
Đầu tư lớnTheo chị Bổn, chị thuê đất vì muốn làm ăn lớn, sản xuất nông nghiệp hiện đại chứ không manh mún, lạc hậu như trước đây. Chị Bổn cho biết: "Thời gian đầu, tôi đã bón hàng chục tạ phân gà để cải tạo đất. Đồng thời đào, đắp, tu sửa lại kênh mương. Tôi không cấy lúa mà để đất trồng rau màu quanh năm. Vụ đầu tiên tôi trồng dưa lê và dưa hấu. Nhờ bán được giá nên tôi đã thu được 80 triệu đồng/ha. Vụ đông này, mặc dù đầu vụ có nhiều khó khăn nhưng tôi tin từ nay đến Tết Nguyên đán tôi sẽ thu về được 50 triệu đồng/ha". Còn bác Xuyến mặc dù mới thuê đất từ tháng 6-2013 nhưng đến nay 5 sào ngô nếp bác trồng đã sắp cho thu hoạch. Dự kiến, 5 sào ngô nếp này sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Bí xanh, bí ngô và cải bắp hơn 1 tháng nữa cũng sẽ cho thu hoạch. Theo bác Xuyến, để làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp, đầu tiên là phải tích tụ ruộng đất. Hệ thống nước tưới phải quy củ và mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Chính vì vậy mà bác đã đầu tư gần 10 triệu đồng để thuê máy xúc làm lại hệ thống kênh mương dẫn nước vào tận ruộng. Tháng tới, bác dự định sẽ đầu tư thêm máy làm đất để tiện cho sản xuất. Còn chị Bổn đang định đầu tư mua máy làm đất, xây dựng nhà lưới và hệ thống phun, tưới tự động để trồng cây rau màu theo hướng chuyên nghiệp. Chị Bổn dự tính: "Nếu được thuê đất dài hạn hơn nữa, tôi muốn xây dựng cả cánh đồng này thành vùng chuyên canh rau an toàn để bán cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh".
Đến ngày 4-10, huyện Gia Lộc đã gieo trồng được 2.000 ha cây vụ đông, đạt gần 50% kế hoạch. Vụ đông này trong huyện sẽ có khoảng hơn 20 ha đất những vụ trước bỏ hoang được thuê để trồng rau màu, nhiều nhất ở các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Quang Minh, Phạm Trấn...
|
|
LAN ANH