Nông dân Gia Lộc đầu tư nhà màng, nhà lưới

06/07/2017 05:24

Nhiều nông dân huyện Gia Lộc đã đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng làm nhà màng, nhà lưới, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.



Gia đình anh Nguyễn Bá Nam ở xã Toàn Thắng đầu tư 300 triệu đồng làm nhà màng rộng 1.200 m2


Mạnh dạn đầu tư

Về tham quan mô hình nhà màng của gia đình anh Nguyễn Bá Nam ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng, chúng tôi thấy những luống dưa đã được thu hoạch, cày xới kỹ lưỡng. Hiện gia đình anh đang chuyển sang trồng các loại rau xanh, rau gia vị. Vừa qua, gia đình anh thu được hơn 4 tấn dưa lưới. Anh Nam cho biết sau khi tham quan mô hình nhà màng ở nhiều nơi, đầu năm nay anh đã quyết định đầu tư 300 triệu đồng làm nhà màng rộng 1.200 m2, cao 2,7 m. “Dù nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C nhưng nhiệt độ trong nhà màng chỉ khoảng 30 độ C. Sắp tới, tôi sẽ lắp đặt thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt để hoàn thiện mô hình nhà màng, giúp sản xuất thuận lợi trong các vụ tiếp theo”, anh Nam chia sẻ dự định.

Cũng như anh Nam, anh Nguyễn Tấn Công ở thôn Côi Hạ, xã Phạm Trấn đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng xây nhà màng rộng 700 m2. Anh Công có 3 năm kinh nghiệm trồng cây giống trong nhà màng tại Đà Lạt. Nhà màng ở xã Phạm Trấn của anh cao 4 m, có phủ lưới. Thời gian tới, anh sẽ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Anh cho biết: “Để chuẩn bị trồng và bán cây giống cho vụ đông tới, tôi đã nhập xơ dừa và phân bón từ Đà Lạt. Dự kiến, vụ đông năm nay nhà màng của tôi sẽ cung cấp hàng vạn cây giống cải bắp, su hào cho người dân trong và ngoài tỉnh. Đây là giai đoạn tôi vừa làm, vừa thử nghiệm xem nhà màng có thể chống chịu được mưa bão không. Nếu thấy ổn, năm sau tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 nhà màng rộng hơn 1.000 m2 để trồng cây giống”.

Hiệu quả


Theo nhiều nông dân, chi phí đầu tư nhà màng, nhà lưới từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, song hiệu quả thu lại cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Anh Nguyễn Mạnh Đoàn ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng đã đầu tư 4 nhà lưới, mỗi nhà rộng khoảng 1.000 m2 từ tháng 8 năm ngoái để trồng rau gia vị, trồng hoa, làm cây giống. Năm ngoái, anh dùng tre để làm cột nhà lưới, chi phí khoảng 30 triệu đồng/sào. Năm nay, các cột tre bắt đầu hỏng, anh sẽ thay thế bằng cột bê tông, cột sắt, chi phí dự kiến khoảng 40 triệu đồng/sào. Anh cho biết trồng hoa, rau gia vị trong nhà lưới giảm bớt nguy cơ thất thu do thời tiết. Ví dụ như khi hoa sắp được thu hoạch, nếu gặp mưa rào có thể bị nở bung cánh, dập nát hết. Còn trồng trong nhà lưới hoa sẽ giữ được đến khi thu hoạch. “Khi sản xuất ổn định, trồng hoa trong nhà lưới có thể cho lãi từ 200-300 triệu đồng/năm. Như vậy tôi có thể lấy lại vốn trong khoảng 2-3 năm”, anh Đoàn nói.

Không chỉ cho thu hoạch ổn định, trồng cây trong nhà lưới, nhà màng còn giúp nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Theo anh Nam, do nhà màng kín tất cả các phía nên các loại bướm, sâu bệnh hại không bay vào được, nên không phải phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Cây trồng hoàn toàn được sản xuất theo quy trình an toàn. Hơn nữa, trồng cây trong nhà lưới có thể tăng gấp đôi số gốc trên cùng một đơn vị diện tích so với ở ngoài ruộng mà cây vẫn phát triển tốt. "Hiện tôi đã ký hợp đồng cung cấp gần chục loại rau xanh, rau gia vị được trồng theo quy trình an toàn cho siêu thị BigC Hải Dương với giá 10.000 đồng/kg rau cải ngồng, 25.000 đồng/kg rau thì là, rau mùi… cao hơn bán cho thương lái từ 5.000-7.000 đồng/kg”, anh Nam cho biết thêm.

Trồng cây trong nhà lưới, nhà màng có rất nhiều ưu điểm nhưng nhiều nông dân không dám đầu tư vì có thể gặp rủi ro. Tại huyện Gia Lộc đã có người gặp khó khăn khi vừa đầu tư xong thì nhà màng, nhà lưới gặp bão bị hư hỏng nặng, phải sửa chữa với chi phí hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, nhiều nông dân mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ chi phí xây dựng để giảm bớt khó khăn và rủi ro khi đầu tư xây nhà màng, nhà lưới.

Ông Lê Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 10 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa, cây giống ở các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Phạm Trấn, Liên Hồng... UBND huyện đã lập danh sách đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ các hộ này từ nguồn kinh phí của đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tích cực tìm đầu ra cho rau quả an toàn, làm cầu nối giữa các công ty, doanh nghiệp với các nhà sản xuất trên địa bàn huyện. “Chúng tôi mong tỉnh sớm hỗ trợ chi phí cho các hộ để giảm bớt rủi ro, khuyến khích nông dân xây dựng nhà màng, nhà lưới, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn”, ông Dũng đề nghị.

VIỆT QUỲNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Gia Lộc đầu tư nhà màng, nhà lưới