Nông dân chưa mặn mà

09/05/2013 09:03

Do chỉ được hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rơm rạ dư thừa nên nhiều nông dân không thực hiện...



Quốc lộ 37 mù mịt khói đốt rơm rạ cuối vụ mùa năm 2012. Ảnh: Nguyên Dã


Xã Thanh Cường (Thanh Hà) bắt đầu thực hiện xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học từ năm 2012. Bình quân, mỗi năm xã có hơn 1.000 tấn rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch. Năm 2012, xã đăng ký 14,2 kg chế phẩm sinh học về xử lý 395 tấn, có hơn 300 hộ tham gia. Tuy nhiên, xã chỉ thực hiện được trong vụ chiêm xuân, vụ mùa do chế phẩm cấp muộn nên nông dân không xử lý. Sau một thời gian thực hiện xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học, nhiều người nhận thấy đây là biện pháp tương đối tốt, nhưng cũng có nhiều hạn chế. Ông Đặng Văn Hùng ở thôn Vĩnh Xá cho biết: “Năm ngoái, tôi xử lý được 10 tấn rơm, rạ với 2 kg chế phẩm (được hỗ trợ kinh phí) để lấy phân bón trồng sắn dây. Năm nay, phải bỏ 50% kinh phí để mua chế phẩm thì tôi không có tiền. Nhiều người trong xã tôi cũng không muốn xử lý tiếp, chỉ đốt một lúc là xong, lấy tro bón ruộng cũng tốt”.

Theo ông Phạm Khắc Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà, năm nay có 4 nơi trong huyện không đăng ký xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học, gồm: Thanh Cường, Việt Hồng, Thanh Hồng và thị trấn Thanh Hà. Ông Dũng cho biết, tỉnh yêu cầu các huyện có xã giáp ranh thành phố phải đăng ký xử lý 100% lượng rơm, rạ dư thừa, nhưng thực tế việc này chưa thực hiện được bởi tỉnh chỉ hỗ trợ 50% kinh phí.

Mỗi năm xã Phúc Thành (Kim Thành) có khoảng 3.000 tấn rơm, rạ dư thừa. Năm 2012, xã đăng ký

“Nếu đóng 50% kinh phí để mua chế phẩm sinh học thì người dân không làm".

Ông Vũ Văn Lanh

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thành (Kim Thành)


xử lý được 33% lượng rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học. Nhưng năm nay, nông dân không còn hào hứng với việc này. Nguyên nhân do hầu hết lao động ở xã Phúc Thành đi làm trong các doanh nghiệp, không làm ruộng, lượng rơm, rạ dư thừa thường được nông dân đốt. Ông Vũ Văn Lanh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp cho biết: “Tâm lý của nông dân là không muốn mất thời gian. Thu hoạch xong thì cũng chuẩn bị đất vào vụ cấy ngay nên thường đốt và đẩy rơm, rạ trôi sông. Nếu đóng 50% kinh phí để mua chế phẩm sinh học thì người dân không làm. HTX cũng không có tiền để ứng trước. Vì thế, năm nay xã không đăng ký thực hiện”.

Từ khi triển khai xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học, xã Đồng Gia (Kim Thành) chưa đăng ký xử lý rơm, rạ dư thừa lần nào. Nguyên nhân bởi đây là xã trồng màu, cần nhiều rơm, rạ để che phủ rau. Thậm chí, nông dân ở đây còn đi các xã khác như Liên Hòa, Đại Đức mua rơm, rạ để trồng màu, nhiều nhất là mùa củ đậu. Ông Đồng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã chỉ có một vụ trồng lúa chính là vụ chiêm, nhưng lượng rơm, rạ sau mùa gặt còn thiếu để phục vụ cho trồng màu. Việc nông dân dùng rơm, rạ trồng màu không ảnh hưởng đến môi trường mà thuận lợi cho sản xuất. Đến khi rau màu cho thu hoạch thì lượng rơm, rạ che đậy cũng mục thành phân bón, tốt cho vụ sau”.

Ông Nguyễn Cao Đam, Giám đốc trung tâm cho biết: "Năm nay, số lượng xã đăng ký và khối lượng rơm, rạ xử lý đều giảm so với năm 2012. Hiện tại, trung tâm đã có văn bản đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét tình hình thực tế, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người dân xử lý rơm, rạ như những năm trước”.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ), đến nay, toàn tỉnh có 179 xã, phường thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã đăng ký xử lý hơn 91 nghìn tấn rơm, rạ bằng chế phẩm vi sinh, giảm 10 nghìn tấn so với năm 2012. Năm 2013, UBND tỉnh chi 437 triệu đồng để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch. Những hộ thực hiện xử lý lần đầu sẽ được hỗ trợ 100% gồm chế phẩm, phân NPK, ni-lông. Những hộ thực hiện từ năm thứ 2 trở đi chỉ được hỗ trợ 50% chế phẩm.


MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân chưa mặn mà