Nhiều nông dân đã lấy bạt che chắn chuồng trại, thắp đèn sưởi ấm cho đàn lợn, đàn gà; chống rét cho diện tích dược mạ mới gieo...
Hệ thống chuồng gà, lợn tại trang trại của ông Chu Trọng Thứxã
Hưng Đạo (Tứ Kỳ) được che chắn cẩn thận. Ảnh: Thủy Ngọc
Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, đây là đợt rét sâu nhất từ đầu mùa đông, nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15 độ C, nhiệt độ thấp nhất ở mức 9-11 độ C. Đợt rét này sẽ còn tiếp diễn trong vài ngày tới. Trời rét đậm ảnh hưởng tiêu cực tới mạ dược trà sớm đã gieo.
Nông dân ở nhiều địa phương đã chủ động phòng, chống rét cho mạ. Chiều 4-1, tại cánh đồng gần quốc lộ 37 ở thị trấn Gia Lộc, chúng tôi thấy một số nông dân ra đồng tát nước vào ruộng, bón thêm tro bếp để giữ mạ “ấm chân”. Một số đám mạ non đã bị ngả màu hơi vàng do rét. Nhiều ruộng mạ ở xã Liên Hồng và Hồng Hưng đã được che ni-lông để chống rét. Chị Hoàng Thị Tâm ở thôn Phú Triều (Liên Hồng) gieo mạ P6 từ một tuần trước. Sau khi gieo 2 ngày gặp trời rét, chị chủ động lấy ni-lông phủ cho mạ (không làm khung che). “Năm ngoái, mạ nhà tôi bị chết nhiều. Sau đó, tôi xem trên ti-vi thấy nông dân các tỉnh khác lấy ni-lông che mạ nên năm nay tôi làm theo. Trời rét nhưng mạ có ni-lông che thì không phải lo lắng nhiều”, chị Tâm cho biết. Ruộng mạ 13/2 của chị Bùi Thị Xim ở thôn Do Nghĩa, xã Nghĩa An (Ninh Giang) được 15 ngày tuổi nhưng nhiều mộng mạ đã bị chết do rét. Trời rét cũng khiến mạ phát triển chậm lại. Đợt này trời rét đậm, chị Xim khẩn trương lấy tro bếp bón cho mạ, cung cấp đủ nước trên ruộng.
Tại cánh đồng thôn Lâm, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) có nhiều ruộng mạ được che phủ ni-lông. Các tấm ni-lông được căng trên giàn khung làm bằng tre. Theo quan sát của chúng tôi, so với các ruộng không che phủ ni-lông thì mạ được che phủ ni-lông xanh hơn, sinh trưởng tốt hơn. Do gió bấc khá mạnh nên một số nông dân thôn Lâm đã ra đồng kiểm tra và gia cố khung che ni-lông. Đa số các chân ruộng mạ đều có mực nước hợp lý để giữ ấm.
Ngay sau khi xuất hiện rét đậm, nhiều cơ quan chuyên môn đã chủ động chỉ đạo, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp chống rét. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách đề nghị nông dân cần duy trì đủ nước trên ruộng mạ, tăng cường bón tro mục, lân, ka-li để chống rét và tuyệt đối không được bón đạm cho mạ trong mọi điều kiện. Cần làm khung che phủ ni-lông trắng cho diện tích mạ trà sớm. UBND huyện Bình Giang chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn nông dân bón tro bếp, phân bón lá, ka-li để giữ ấm và tăng sức đề kháng cho mạ, không gieo mạ khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.
Trong khi nhiều địa phương chủ động chống rét cho mạ thì một số nơi vẫn để mạ bị thiếu nước hoặc không che phủ ni-lông. Đa số các địa phương trong tỉnh chưa có thói quen làm khung che phủ ni-lông để chống rét. Tại xã Liên Hồng và Hồng Hưng (Gia Lộc), nhiều nông dân chưa biết cách làm khung che nên chỉ phủ ni-lông trên mặt ruộng. Cách làm này khiến ni-lông áp sát cây mạ, ảnh hưởng tới việc sinh trưởng, phát triển.
Không chỉ chống rét cho mạ, nông dân trong tỉnh cũng chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Xã Hiệp An (Kinh Môn) có khoảng 70% số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khi rét đậm tràn về, nhiều nông dân đã lấy bạt che chắn chuồng trại, thắp đèn sưởi ấm cho đàn lợn, đàn gà. Các hộ đều trang bị thuốc, bình phun để phun sát trùng, phòng tránh dịch bệnh cho vật nuôi. Ban Thú y và khuyến nông xã cũng tăng cường tuyên truyền về biện pháp chống rét cho vật nuôi những ngày rét đậm, rét hại.
Ngay từ đầu tháng 12, anh Nguyễn Văn Thủy ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) đã chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Khi trời rét đậm, anh Thủy càng quan tâm chống rét cho vật nuôi hơn. Đối với gần 50 con lợn, anh Thủy lấy bạt che chắn xung quanh chuồng, bảo đảm gió không lọt vào. Các chuồng nuôi lợn con được thắp bóng điện, đốt trấu. Đối với đàn cá, anh chủ động thả bèo trên mặt ao, thả các bó rào tre để làm nơi trú ngụ cho cá. Những ngày rét anh nhốt bò trong chuồng, không chăn thả. Khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm có bổ sung thêm nhiều loại khoáng chất. Việc vệ sinh chuồng trại được thực hiện thường xuyên, tránh nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Cũng như anh Thủy, anh Nguyễn Công Vĩnh ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) đã kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đèn chụp, đèn sưởi, bóng điện để chống rét cho gần 4.000 con gà đẻ và đàn gà con. Anh Vĩnh cho biết: Gà sinh sản và gà con có sức đề kháng yếu nên phải bảo đảm hệ thống chuồng trại được sưởi ấm khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Xung quanh chuồng, anh Vĩnh che chắn bằng bạt, bên trong chuồng có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ. Mỗi loại gà thích nghi với một mức độ nhiệt khác nhau, vì vậy, anh thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh kịp thời, bảo đảm gà sinh trưởng, phát triển tốt. Những ngày trời rét, anh Vĩnh cho giảm khối lượng thức ăn thô, tăng khối lượng thức ăn tinh để tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.
Ngày 4-1, UBND huyện Bình Giang yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân các biện pháp chống rét cho thủy sản, gia súc, gia cầm. Theo đó, những xã có diện tích nuôi cá rô đồng lớn (Cổ Bì, Hùng Thắng, Long Xuyên), nông dân cần bảo đảm mực nước hợp lý trong ao nuôi, thả thêm bèo, cành cây làm chỗ trú ẩn cho cá. Đối với đàn vật nuôi, cán bộ thú y cần theo dõi diễn biến của dịch bệnh, hướng dẫn nông dân che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh và các loại muối khoáng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Nông dân không để cho trâu, bò cày kéo trong những ngày rét đậm và hạn chế chăn, thả khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C.
PVCác biện pháp chống rét cho cây trồng, nhất là rau màu:
Bón bổ sung thêm ka-li, lân, giảm bón đạm để cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Những ngày có sương muối giá buốt, cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng.
Đối với lạc, đậu tương, ớt, ngô xuân, chú ý không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 13 độ C kéo dài, dù thời vụ đã đến.
Các loại cây rau hành hoa, ớt, cà chua, khoai tây xuân, cải bắp, su hào, su lơ…và các loại rau khác cũng phải tưới đủ ấm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm.
Có thể tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả (cà chua, bí đỏ); phun chất tăng trưởng “Vườn sinh thái” cho rau màu 5-10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét và sâu, bệnh hại.
(Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn)
|