Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Chi Ngãi phất lên từ nuôi rắn

PV 13/10/2023 09:52

Người nuôi rắn ở khu dân cư Chi Ngãi, phường Cộng Hòa (Chí Linh) đang rất phấn khởi vì giá bán rắn tăng mạnh trở lại sau thời gian dài thua lỗ vì dịch Covid-19 và Trung Quốc đóng cửa biên giới.

W_nguoi-giup-viec-nha-ong-long.jpg
Hộ ông Hoàng Công Long ở khu dân cư Chi Ngãi 1 nuôi rắn số lượng lớn nên phải thuê thêm người chăm

Giá tăng gấp đôi

Về khu dân cư Chi Ngãi 1 tìm hiểu nghề nuôi rắn, mới đi đến con ngõ nhỏ đầu xóm tôi đã nghe tiếng bàn tán rôm rả bên bàn trà ở góc sân của một nhà nuôi rắn với đủ thứ chuyện về rắn. Ông Nguyễn Đình Triều, chủ nhà cho biết những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường tụ tập uống trà vừa nắm bắt thông tin, kể chuyện bán rắn và chia sẻ nhiều kinh nghiệm nuôi rắn. Còn ông Phùng Đắc Lanh nói: "Cách đây vài hôm nhà tôi bán 4 tạ rắn hổ mang, mỗi con nặng từ 2-3 kg, giá 600.000 đồng/kg, thu được 240 triệu đồng, nhưng không thấm vào đâu so với những hộ nuôi nhiều rắn ở khu này".

W_gia-ran-11111.jpg
Mỗi con rắn xuất bán nặng từ 2-3 kg, giá 600.000 đồng/kg, cao gấp đôi năm ngoái

Phường Cộng Hòa có khoảng 40 hộ nuôi rắn hổ mang và rắn ráo trâu (hổ trâu), chủ yếu tập trung ở khu dân cư Chi Ngãi 1 và Chi Ngãi 2, hộ nuôi ít từ vài trăm con đến hơn 1.000 con, hộ nuôi nhiều từ 4.000-6.000 con.

Ông Hoàng Công Long là một trong những hộ nuôi nhiều rắn nhất ở Cộng Hòa. Ngoài nuôi ở nhà, ông Long còn có trang trại rắn ở khu dân cư Tiên Sơn cùng phường Cộng Hòa với tổng số 6.000 con. Ông Long cho biết rắn năm nay bán được giá, đầu năm rắt thịt giá 500.000 đồng/kg, đến giữa năm tăng lên 600.000 đồng/kg, cao gấp đôi năm ngoái. Giá trứng rắn cũng cao hơn nhiều so với năm ngoái, hiện trứng rắn ráo trâu 100.000 đồng/quả, trứng rắn hổ mang 50.000-70.000 đồng/quả. "Từ đầu năm đến nay nhà tôi bán 3 mẻ rắn thịt và 3 mẻ trứng rắn cho thương lái với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, thu lãi hơn 1 tỷ đồng", ông Long hồ hởi nói.

W_nha-biet-thu.jpg
Nhờ nuôi rắn nhiều hộ ở Chi Ngãi có cuộc sống khá giả, nhà biệt thự mọc lên san sát

Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết Chi Ngãi có truyền thống nuôi rắn từ hàng chục năm nay, nhiều người giàu lên nhờ nuôi rắn. Rắn nuôi chủ yếu bán sang Trung Quốc, một phần nhỏ tiêu thụ trong nước. Những năm dịch Covid-19, nhiều người nuôi rắn lỗ nặng không bán được nhưng vẫn phải cho rắn ăn để duy trì. Năm 2022 trong nước hết dịch, nhưng Trung Quốc vẫn kiểm soát biên giới, rắn khó tiêu thụ nên giá vẫn thấp. Đến đầu năm nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhờ có thị trường tiêu thụ rộng lớn, giá rắn tăng mạnh, người nuôi rắn ở Chi Ngãi rất phấn khởi, nhiều hộ lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.

Kiểm soát chặt

Mặc dù nghề nuôi rắn cho giá trị kinh tế cao nhưng cũng khá kỳ công và nguy hiểm vì bản năng hoang dã của rắn độc đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, hiểu được tập tính sinh sống của rắn.

W_ap-trung11.jpg
Ông Phùng Đắc Lanh ở khu dân cư Chi Ngãi 1 kiểm tra trứng rắn đang ấp để nhân giống, gối vụ

Ông Nguyễn Quy Sứ ở khu dân cư Chi Ngãi 2 cho biết: "Tôi nuôi gần 100 con rắn bố mẹ từ năm 1995. Sau khi phối giống, 30-40 ngày sau rắn sẽ đẻ. Mỗi năm rắn ráo trâu đẻ 2-3 lứa, mỗi lứa 15-20 quả trứng; rắn hổ mang đẻ 1 lứa từ 20-40 quả. Ngoài ấp nở rắn con để nhân giống, số trứng còn lại tôi bán lấy tiền mua thức ăn cho rắn và mở rộng chuồng trại, hiện nay nhà tôi nuôi khoảng 700 con rắn hổ mang".

Đa số chuồng trại của các hộ nuôi rắn hổ mang ở Chi Ngãi được xây bằng gạch cao hơn 1 m, rộng hẹp tùy diện tích từng nhà, mỗi m2 chuồng được chia làm 4 ngăn nhỏ, mỗi ngăn nhỏ nuôi 1 con, trên có nắp đậy chặt chỉ để khe hở nhỏ cho không khí lọt vào. Rắn ráo trâu có thể nuôi chung nhiều con trong một chuồng rộng.

W_kiem-lam-kiem-tra-ran.jpg
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Chí Linh kiểm tra, rà soát các hộ chăn nuôi rắn ở khu dân cư Chi Ngãi 2

Ông Hoàng Công Long cho biết chuồng nuôi phải bảo đảm lúc nào cũng khô ráo, nhiệt độ quanh ngưỡng 30 độ C, nóng quá hoặc lạnh quá rắn sẽ chết. Rắn nuôi ít bệnh, thường chỉ bị tiêu chảy hoặc viêm phổi, nhưng khi mắc 2 bệnh này khó chữa nên biện pháp tốt nhất là phòng bệnh bằng cách cho ăn uống đúng chế độ. Đầu năm cho ăn vừa phải, cuối năm cho ăn nhiều lên để rắn tích mỡ chống chọi với thời tiết lạnh mùa đông. Thức ăn cho rắn chủ yếu là vịt con, gà con hoặc cóc, từ 2-3 ngày cho ăn một lần. Nuôi rắn từ lúc mới nở đến lúc trưởng thành mất hơn 1 năm, trọng lượng từ 2-3 kg/con, có con to hơn.

Rắn thuộc danh mục động vật hoang dã nên các hộ nuôi rắn phải được Chi Cục Kiểm lâm Hải Dương cấp mã trại nuôi và cấp giấy xác nhận khi xuất bán, vận chuyển. Đối với rắn hổ mang trong quá trình nuôi nhốt phải rất cẩn thận, bởi nếu sơ suất bị rắn cắn có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để rắn xổng ra ngoài gây nguy hiểm cho người khác.

PV
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Chi Ngãi phất lên từ nuôi rắn