Nông dân bỏ qua nhiều công đoạn khi sản xuất rau VietGAP

25/10/2016 08:07

Dù tích cực tuyên truyền, vận động ngườidân xây dựng các vùng sản xuất tốt nông nghiệp cho rau (VietGAP). Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế.



Đa số các hộ dân trong vùng sản xuất VietGAP chưa thực hiện nghiêm được quy trình sản xuất rau

"Ăn bớt" quy trình

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), để sản xuất rau VietGAP, nông dân và ngành chức năng phải tuân thủ 65 chỉ tiêu, phần lớn công đoạn do nông dân thực hiện. Theo quy trình, khi trồng rau, nông dân phải sử dụng cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc rõ ràng; không sử dụng nước thải, nước bẩn tưới cho rau; sau phun thuốc trừ sâu các dụng cụ cần được xử lý tránh làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nông dân phải ghi chép lại quy trình trồng, chăm sóc rau... Tuy nhiên, thực tế người dân mới chỉ thực hiện một số tiêu chí như giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, chú trọng hơn đến việc sử dụng các sản phẩm sinh học, ngừng phun thuốc, bón phân từ 5-7 ngày trước khi thu hoạch, còn nhiều chỉ tiêu khác chưa nắm được hoặc nắm được nhưng không thực hiện.

Có mặt tại khu trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc), chúng tôi thấy ông P. T. T. ở đội 6, thôn Cầu Lâm đang múc nước đục bẩn, có lẫn cả rác thải ở ruộng bên cạnh tưới cho ruộng su hào sắp thu hoạch. Khi được hỏi ông có biết phải dùng nước sạch tưới cho rau hay không thì ông T. giải thích do thiếu nước tưới nên làm như vậy. Theo quy định, những ruộng vừa được phun thuốc trừ sâu phải có biển cảnh báo nhưng ông T. chưa bao giờ làm. Ông T. cũng mua cây giống, phân bón tại các cửa hàng trong xã mà không biết các cửa hàng đó có được phép bán các mặt hàng này hay không. Trên vùng rau an toàn (RAT) xã Phạm Trấn chúng tôi thấy vẫn còn tình trạng người dân vứt bừa bãi bao bì thuốc trừ sâu đã qua sử dụng.

Bước vào công đoạn thu hoạch, quy định sản xuất RAT có những đòi hỏi khắt khe như rau hạn chế để qua đêm, không cho rau tiếp xúc với đất, nước rửa phải là nước sạch, khu vực sơ chế sạch sẽ... Tuy nhiên, thực tế nông dân vẫn chưa làm được những việc trên. Bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) cho biết: "Mỗi khi thu hoạch rau tôi bán buôn cho thương lái nên không quan tâm đến việc họ thu hoạch vào lúc nào, có sơ chế trước khi đưa ra thị trường hay không". Mặc dù được xây dựng từ lâu nhưng khu sơ chế của vùng RAT Phạm Kha vẫn đóng cửa, chưa đi vào hoạt động... Rõ ràng, so với những yêu cầu mà Bộ NN- PTNT đưa ra thì nông dân ở các vùng sản xuất RAT của tỉnh mới thực hiện được rất ít công đoạn.

Chưa có chỗ đứng riêng

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8 vùng được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 130 ha, ở các huyện Gia Lộc, Kim Thành, TP Hải Dương...

Mặc dù mỗi vụ một ha cho thu hoạch hàng chục tấn nhưng hiện RAT vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, vẫn phải tiêu thụ giống như các loại rau khác. Bà Nguyễn Thị Oanh ở thôn Đỗ Hạ cho biết: "Chúng tôi hiện vẫn bán rau VietGAP giống như những loại rau khác. Một số người đã chán không trồng rau theo quy trình này nữa". Còn ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha thì khẳng định rau của nông dân hiện vẫn bán trên thị trường tự do chứ chưa đưa được vào hệ thống siêu thị hay nhà hàng.

Các sản phẩm rau VietGAP của Hải Dương chưa có chỗ đứng trên thị trường là do thực hiện được ít tiêu chí trong quy trình sản xuất. Theo ông Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT), để sản xuất ra rau VietGAP, người dân cần thực hiện đầy đủ các tiêu chí chứ không chỉ đơn giản là một số bước đang làm. Bởi chỉ cần thiếu một bước thì sản phẩm đó khó có thể coi là an toàn. Hơn nữa, sản xuất rau VietGAP quan trọng nhất là ghi chép lại ngày tháng gieo hạt, trồng cây, lượng phân đạm, số lần, loại thuốc trừ sâu... nhưng thường bị nông dân bỏ qua không thực hiện. Việc ghi chép này có ý nghĩa rất quan trọng bởi khi người tiêu dùng sử dụng rau có vấn đề gì thì đây là cơ sở truy suất nguồn gốc rau, xem nông dân sản xuất sai ở khâu nào để có biện pháp xử lý. Việc thu mua, sơ chế rau trước khi xuất bán trên thị trường cũng chưa thực hiện đúng quy trình...

Nông dân ở các vùng sản xuất rau VietGAP đang vướng phải vòng luẩn quẩn do không sản xuất đúng quy trình nên không có chỗ đứng trên thị trường; cũng do không có chỗ đứng trên thị trường nên nông dân không tuân thủ đúng quy trình. Để có sản phẩm là rau VietGAP, nông dân cần thay đổi toàn diện từ tư duy đến cách làm cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Ngoài việc cần tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ các bước trong quy trình sản xuất thì tìm đầu ra cho sản phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cơ quan chức năng cần kết nối với doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, siêu thị để tìm chỗ tiêu thụ rau cho nông dân với đúng giá trị của rau VietGAP, tránh tình trạng chỉ hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn như hiện nay. Có như vậy, nông dân mới tuân thủ nghiêm quy định để làm ra sản phẩm an toàn.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân bỏ qua nhiều công đoạn khi sản xuất rau VietGAP