Năm 2014, Bạch Đằng là một trong 2 xã đầu tiên của huyện Kinh Môn về đích trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả trên có sự tham gia tích cực của Hội Cựu chiến binh xã.
Đến nay, xã Bạch Đằng đã làm được 20 km đường giao thông, nhân dân hiến trên 34.000 m2 đất để mở rộng đường, trong đó các gia đình cựu chiến binh hiến 11.000 m2 đất |
Gương mẫu, đi đầu
Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bạch Đằng có 362 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội. Thành tích nổi bật nhất mà hội đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) là việc vận động cán bộ, hội viên và nhân dân tích cực làm đường giao thông nông thôn.
Là xã miền núi, đất rộng, người thưa vì thế tiêu chí giao thông khó thực hiện. Sau khi họp bàn, Hội CCB xã đã thống nhất lấy phân hội 3 (thôn Kim Lôi) làm điểm. Ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch Hội CCB xã Bạch Đằng cho biết: "Lúc phổ biến đến người dân về kế hoạch làm đường, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Qua nắm bắt tâm tư của bà con trong xóm, chúng tôi biết một số người không đồng tình, vì cho rằng đã có đường rồi, không cần làm lại nữa, một số hộ lo lắng phải đóng góp nhiều tiền. Từ đó, anh em cán bộ hội, phân hội phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác tích cực tuyên truyền, vận động bà con theo kiểu "mưa dầm, thấm lâu". Không chỉ vận động trong cuộc họp, qua các buổi sản xuất ngoài đồng ruộng mà cán bộ hội còn đến tận nhà để tuyên truyền. Vì thế nhận thức của người dân đã thay đổi đáng kể. Những hộ lúc đầu phản đối về sau lại tham gia tích cực, nhiệt tình nhất". Nhiều cán bộ, hội viên Hội CCB không sinh sống ở đội 3 cũng tích cực ủng hộ tiền mặt, máy móc, thiết bị làm đường như các ông Trần Việt, Tiên Quang Thành, Trần Văn Bút... nên càng động viên nhân dân đội 3 hưởng ứng phong trào. Trong một thời gian ngắn, cán bộ phân hội 3 và nhân dân đã làm được gần 3 km đường với kinh phí gần 3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền đóng góp của nhân dân và con em Bạch Đằng xa quê ủng hộ.
Đường đội 3 hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Từ đó đã tạo ra phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Bạch Đằng, chủ yếu do các hội viên Hội CCB khởi xướng, làm nòng cốt thực hiện. Đến nay, xã đã làm được 20 km đường giao thông, nhân dân hiến trên 34.000 m2 đất để mở rộng đường, trong đó các gia đình CCB hiến 11.000 m2 đất.
Trước khi dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), trung bình mỗi hộ ở Bạch Đằng có từ 3-5 mảnh ruộng xen kẽ cao thấp, xấu đẹp khác nhau. Để mỗi gia đình chỉ còn từ 1-2 mảnh không phải là chuyện dễ, bởi không ai muốn nhận ruộng ở chỗ xấu, chỗ xa. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, việc DĐĐT ở Bạch Đằng diễn ra rất nhanh chóng, chỉ sau 20 ngày là xong, có 85% số hộ tự nguyện nhận ruộng, chỉ có 15% phải bốc thăm. Bí quyết để xã DĐĐT nhanh, gọn như vậy là do xã tiếp tục lấy Hội CCB làm nòng cốt. Đảng ủy xã chỉ đạo Hội CCB và các tổ chức khác đẩy mạnh tuyên truyền và nêu gương trước nhân dân. Có 85 gia đình hội viên CCB tự nguyện nhận đất ở chỗ xấu, chỗ xa, nhường phần đất màu mỡ cho các hộ khác. Từ những việc làm đó của các hội viên Hội CCB đã tạo sức lan tỏa, nhiều hộ khác cũng đã tự nguyện nhận đất mà không cần bốc thăm.
Không chỉ làm đường giao thông nông thôn, DĐĐT mà Hội CCB xã Bạch Đằng còn tích cực tham gia các phong trào khác của địa phương như xây dựng làng, khu dân cư văn hóa; giữ gìn an ninh, trật tự; làm đường ra đồng... Ở phong trào nào có CCB tham gia, phong trào đó cũng thu được kết quả tích cực.
Nhận xét về Hội CCB xã, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: “Hội CCB xã thực sự là nòng cốt của các phong trào ở địa phương. Bất kỳ một việc làm nào có sự tham gia của Hội CCB, xã rất yên tâm vì các hội viên đều là những người có trách nhiệm, nhiệt tình, hết mình với phong trào, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì lợi ích chung của tập thể. Nếu không có sự tham gia của Hội CCB xã, chắc chắn địa phương chưa hoàn thành xây dựng NTM”.
Nâng cao chất lượng các phong trào
Hội CCB xã Bạch Đằng luôn trăn trở làm thế nào để duy trì và thực hiện tốt hơn nữa, tránh tình trạng đã đạt được xã NTM rồi nhưng bỏ bê không quan tâm, dẫn đến cơ sở hạ tầng xuống cấp, các phong trào thụt lùi, không bằng các địa phương khác. Ông Trần Xuân Tưởng cho biết thêm: "Để giữ được danh hiệu xã NTM, Hội CCB xã xác định tiếp tục là nòng cốt của các phong trào. Mỗi chương trình chúng tôi đều xây dựng kế hoạch cụ thể để tham gia”.
Hội CCB xã xác định việc làm quan trọng nhất trong thời gian tới là khuyến khích các hội viên phát triển kinh tế. Vì có điều kiện kinh tế thì mới có thể tham gia các phong trào khác. Do đó, Hội CCB xã giao cụ thể cho từng chi hội giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ về vốn, vật tư, con giống, kinh nghiệm... Hội cũng tích cực vận động nhân dân trồng rau vụ đông, làm mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng cây ăn quả...
Để duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp ở các tuyến đường tự quản, hằng tuần, hằng tháng, Hội CCB đều vận động hội viên tự nguyện dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, trồng thêm cây xanh. Hội CCB xã vận động hội viên tích cực tham gia và thực hiện tốt Đề án "Làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự"; phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", luôn sống gương mẫu để làm gương cho con cháu noi theo. Mặc dù tiêu chí giao thông của xã đã đạt chuẩn theo quy định NTM nhưng trong thời gian tới, các Chi hội CCB sẽ tiếp tục làm 670 m đường ở thôn Kim Lôi và làm 2 tuyến đường ra đồng thôn Đại Uyên.
PV