Thời gian gần đây, số vụ án liên quan tới vũ khí, vật liệu nổ diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Đối tượng Bùi Đức Trượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Đức Thịnh
Manh động22 giờ ngày 2-6, anh Nguyễn Mạnh Sáng (sinh năm 1988, ở xã Liên Hồng, Gia Lộc) cùng 4 thanh niên đi xe máy từ thị trấn Gia Lộc về TP Hải Dương. Đến ngã tư giao giữa đường 62 m và đường đi vào xã Liên Hồng (Gia Lộc), nhóm này gặp một nhóm đi trên 1 chiếc taxi và 1 xe máy đi từ xã Liên Hồng ra. Ngay lập tức, một đối tượng ngồi trên taxi dùng bom xăng ném về phía anh Sáng nhưng không trúng. Sau đó, nhóm này dùng súng bắn đạn hoa cải bắn ba phát về phía nhóm của anh Sáng làm anh Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1981, ở thị trấn Gia Lộc) và anh Phạm Văn Hảo (sinh năm 1993, ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) bị thương phải đi cấp cứu. Nhóm bắn súng bỏ chạy. Đến ngày 7-6, có 3 đối tượng trong nhóm gây án đến cơ quan công an đầu thú, gồm: Đinh Văn Luân (sinh năm 1989, ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, Phú Thọ), Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1982, ở thôn Đồng Tâm, xã Gia Lương, Gia Lộc) và Phạm Văn Hải (sinh năm 1992, ở xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Cơ quan công an thu giữ 2 khẩu súng bắn đạn hoa cải và 4 viên đạn. Các đối tượng khai trước đó nhóm của Hùng va chạm giao thông với nhóm của Sáng nên Hùng cùng đồng bọn tổ chức chặn nhóm của Sáng tại xã Liên Hồng để trả đũa.
Tình trạng các đối tượng xã hội sử dụng súng tự chế bắn đạn hoa cải, mìn tự chế từ thuốc nổ công nghiệp và vũ khí thô sơ để gây án, thanh toán lẫn nhau đang diễn ra khá nhiều.
|
Gần đây, trên địa bàn phường Ái Quốc (TP Hải Dương) cũng xảy ra một vụ gây rối trật tự, trong đó có một đối tượng sử dụng súng là Bùi Đức Trượng (sinh năm 1974, trú tại phường Đồng Tâm, quận Kiến An, TP Hải Phòng). Khi lực lượng công an phát hiện dấu hiệu khả nghi và tiếp cận, Trượng đã rút 1 khẩu súng côn từ trong người ra, rồi chạy vào cố thủ tại một nhà dân. Trượng đuổi mọi người trong gia đình này ra ngoài rồi nổ 2 phát súng đe dọa không cho tổ công tác tiếp cận. Sau khi được thuyết phục, đến khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, lực lượng công an đã tiếp cận và bắt giữ Trượng, thu giữ khẩu súng, 4 viên đạn và 2 vỏ đạn.
Không chỉ tự tìm mua các loại vũ khí nóng, nhiều đối tượng còn tự chế tạo vũ khí trái phép. Ngày 20-7, trong lúc kiểm tra phòng trọ của nhà bà Phạm Thị Xoa (sinh năm 1964, tại thôn An Cường, xã Hiệp Sơn), tổ công tác của Công an huyện Kinh Môn phát hiện và bắt quả tang Bùi Văn Hải cùng một số đối tượng đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tiến hành khám xét phòng trọ và nơi ở của Hải ở xã Tân Dân (Kinh Môn), lực lượng công an còn thu giữ 3 gam ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng côn, 1 viên đạn cùng nhiều dụng cụ, phụ kiện để sản xuất súng như máy mài, máy khoan, máy hàn, đạn bi, ổ xoay và mô hình súng côn 6...
Tuy các cơ quan chức năng chưa có số liệu thống kê cụ thể số vụ việc các đối tượng sử dụng vũ khí nóng, song việc các đối tượng xã hội dùng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí chống đối người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng.
Khó quản lýKhó khăn đầu tiên cho công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ là do người dân chưa tự giác. Năm 1996, theo Nghị định 47 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì cá nhân nếu có đủ điều kiện được phép mua và được cấp giấy phép sử dụng súng săn. Tuy nhiên, đến năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép, trong đó nêu rõ: các cơ quan công an ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn, bắn chim, thú hoang dã, thú rừng tự nhiên... Những trường hợp đã cấp giấy phép sử dụng phải thu hồi, không được phép lưu hành. Thực tế, không phải người dân nào cũng có ý thức tự giác giao nộp lại súng săn, thậm chí nhiều người khai báo mất nhưng vẫn lén lút sử dụng. Theo báo cáo của Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp 31 khẩu súng săn, súng hơi các loại. Tuy nhiên, không cơ quan nào có thể thống kê hiện nay còn khoảng bao nhiêu khẩu súng đang trôi nổi, chưa được thu hồi, quản lý.
Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh phía Bắc diễn ra khá phổ biến nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, càng gây khó khăn cho công tác quản lý. Tháng 4-2014, khi bắt giữ xe ô-tô khách 34L- 4475 chạy tuyến Lạng Sơn - Hải Dương, Công an huyện Cẩm Giàng đã phát hiện và thu giữ toàn bộ số vũ khí nóng gồm 12 thanh kiếm bằng kim loại, 2 dùi cui điện, 3 súng bắn điện, 10 hộp xịt hơi cay do Trung Quốc sản xuất. Theo lời khai của chủ xe Vũ Đức Xuất (sinh năm 1971, ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt, Thanh Hà), số công cụ hỗ trợ trên là của một người ở Cẩm Giàng đặt mua tại Lạng Sơn với giá 14,6 triệu đồng. Số vũ khí này đã được vận chuyển trót lọt suốt cả chặng đường dài từ Lạng Sơn về đến Hải Dương. Nếu không bị phát hiện, rất có thể chúng sẽ trở thành công cụ gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Theo trung tá Phạm Văn Nam, Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), tình trạng các đối tượng xã hội sử dụng súng tự chế bắn đạn hoa cải, mìn tự chế từ thuốc nổ công nghiệp và vũ khí thô sơ để gây án, thanh toán lẫn nhau đang diễn ra khá nhiều. Qua nắm tình hình, vũ khí chủ yếu được các đối tượng mua bán lén lút từ Trung Quốc về để sử dụng.
Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép đã và đang gây mất an ninh trật tự xã hội, gây bất an cho người dân. Để ngăn chặn tình trạng này, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, không tàng trữ, sử dụng vũ khí. Bên cạnh đó, lực lượng công an cần siết chặt quản lý, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện đầu mối mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Cần đưa các trường hợp vi phạm ra xét xử công khai, mức phạt cao để đủ sức răn đe các đối tượng...
TÂM PHÚC