Chồng nghi ngờ ngoại tình, cài định vị, ghi âm vào điện thoại để theo dõi và kiên quyết đòi ly hôn, song chị níu kéo vì con, vì bệnh tình của anh.
Một ngày cuối tháng 4, anh Tú tới TAND Hà Nội để giải quyết cuộc hôn nhân với người vợ gần 20 năm chung sống. Anh vào trước, chị Làn nức nở bước sau vào phòng xét xử.
Giữ ánh nhìn cương quyết, nước mắt của người phụ nữ gần 20 năm chung sống không khiến anh thay đổi thái độ. Năm 2000, anh và chị kết hôn, lần lượt có hai con trai kháu khỉnh.
Gia đình anh vốn có cơ sở sản xuất đồ gỗ, chuyên làm các thiết bị, đồ dùng trong căn hộ. Còn chị, ngoài công việc đứng lớp ở cấp 2, thường giúp chồng kinh doanh nên kinh tế gia đình khá giả.
Mâu thuẫn cũng nảy sinh từ việc chị tham gia kinh doanh cùng chồng. Mỗi lần chị đi tư vấn cho khách hàng, anh nghi ngờ vợ ngoại tình. Anh bảo chị nói dối, "đi gặp một ai đó" chứ không phải tư vấn.
Anh quyết định "điều tra" bằng việc bí mật cài định vị, ghi âm trong điện thoại của chị, thuê cả người theo dõi. Dù kết quả theo dõi không thể hiện vợ "có một ai đó khác", song anh vẫn buồn rầu. Cuối năm 2015, anh đưa đơn ly hôn ra tòa, nhưng được hòa giải, cùng với các con còn nhỏ, lá đơn được rút về, vợ chồng có cơ hội hàn gắn.
Một ngày tháng 7.2016, khi hai vợ chồng cùng đi tư vấn cho khách hàng. Anh làm trong nội thành Hà Nội, còn chị theo đơn hàng ở Bắc Giang. Vẫn theo dõi vợ qua chế độ định vị, anh thấy chị ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh nên tức tối.
Cho rằng vợ gian dối, khi gặp chị ở công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), anh chặn lại và đánh chị thâm tím mặt mày rồi bỏ đi. Bị chồng vô cớ đánh giữa đường, chị giận, bỏ về nhà mẹ đẻ, anh cũng không một lần sang xin lỗi.
Bốn tháng sau, anh nộp đơn ly hôn. Khi chị quay về, bố mẹ chồng không hài lòng khi con dâu không đoái hoài đến hai cháu. Ông bà không hỏi thăm và cũng không đứng ra hòa giải cho cuộc hôn nhân của các con, vì giận.
Phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Phúc Thọ sau đó nhận định, do mâu thuẫn hai vợ chồng quá trầm trọng không thể giải quyết được nên đã thuận tình ly hôn, giao cho mỗi người nuôi một con. Chị làm đơn kháng cáo mong muốn được hàn gắn gia đình.
Trình bày trước HĐXX phúc thẩm, chị cho rằng không hề nói dối khi đi Bắc Ninh lại bảo về Bắc Giang. Chị bảo chỉ lỡ nói sai địa điểm, chứ không phải gặp ai như chồng nghĩ. "Vì tự ái nên khi bị đánh tôi mới về nhà mẹ đẻ và ở lại lâu vì muốn anh làm lành trước...", chị nói.
Việc chị gửi đơn kháng cáo vì nghĩ đến hai con sức khỏe yếu, không có mẹ ở bên chăm sóc nên không yên tâm. Ngoài ra, chị cho hay, anh bị bênh động kinh nên muốn ở bên cạnh chăm sóc chồng đến hết đời... Nhưng những lời tâm huyết đó, anh thẳng thừng từ chối: "Vợ chồng tôi không còn tình cảm từ lâu nên ly hôn là điều tốt nhất".
Ngay cả khi chị nghẹn ngào cho hay, sức khỏe bản thân giờ cũng yếu, không có chỗ ở nên muốn đoàn tụ, anh cũng không nghe. "Nếu muốn về thì trước khi tôi đưa đơn ly hôn ra tòa, cô đã về chứ không phải đến bây giờ", anh ngắt lời vợ.
Tòa phúc thẩm cho rằng, mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng và chị không có "giải pháp hàn gắn hôn nhân" nào trước khi phiên xử này được mở. Tòa bác đơn của chị, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
Việt Dũng (VnExpress)
* Tên nhân vật đã thay đổi.