Được sự đùm bọc của nhân dân, tại ấp Dọn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết bài, in báo Công nông để tuyên truyền cách mạng...
Ấp Dọn nằm ở xã Thái Dương (Bình Giang). Năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục về đây xây dựng cơ sở cách mạng. Được sự đùm bọc của nhân dân, tại ấp Dọn, đồng chí đã viết bài, in báo Công nông để tuyên truyền cách mạng.
Một thời lịch sửDịp chúng tôi vào thăm một ngôi nhà trong xóm, ông Đặng Văn Thường, Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương cho biết, đây là mảnh đất cũ của gia đình cụ Tư Hợi, nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở trong những ngày hoạt động cách mạng. Còn nơi đồng chí viết bài, in báo Công nông, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho tá điền là chùa ấp Dọn ngoài cánh đồng. Cụ Tư Hợi cũng là người lên chợ Sặt mua giúp cụ Bằng giấy mực để in báo. Giờ gia đình cụ Tư Hợi không còn ai sinh sống ở đây.
Từ mảnh đất cũ của cụ Tư Hợi ra chùa ấp Dọn có vài trăm mét. Ngôi chùa chỉ 20m2, nằm trên một khoảng đất 5 sào. Về ấp Dọn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bà con hết lòng che chở để thoát khỏi những cuộc lùng sục, bắt bớ của mật thám Pháp. Mỗi lúc cùng tá điền nghỉ ngơi tại chùa ấp Dọn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại tranh thủ tuyên truyền cách mạng.
Trong cuốn sách “Anh cả Nguyễn Lương Bằng” của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành có viết: "Tháng 5-1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải đã bắt được Nguyễn Lương Bằng. Năm 1932, thực dân Pháp giải đồng chí Nguyễn Lương Bằng về Hải Dương xét xử, kết án phát lưu chung thân và đưa về lại nhà tù Hỏa Lò. Đêm Nô-en năm 1932, Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công. Thoát khỏi lao tù, bị mất liên lạc với tổ chức Đảng, đồng chí về ấp Dọn xây dựng cơ sở cách mạng. Được sự đùm bọc của nhân dân, đồng chí đã tự mình viết bài, in báo Công nông, tuyên truyền cách mạng".
Thời kỳ làm Phó Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có một lần tìm về thăm lại ấp Dọn. Cách đây 10 năm, vợ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cũng đã tìm về thăm ấp Dọn, tặng chùa một bức ảnh chân dung của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Tháng 5- 2010, con gái đồng chí Bằng cũng về tặng UBND xã Thái Dương 2 cuốn sách “Anh cả Nguyễn Lương Bằng”. Ấp Dọn cũng đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhiều lần về thăm.
Gian nan nhìn nhận giá trị
Chùa ấp Dọn, nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng tuyên truyền cách mạng
Giá trị lịch sử cách mạng của ấp Dọn đã được khẳng định. Tại sao cho đến nay, địa danh này vẫn chưa được quan tâm nhìn nhận? Năm 1990, cán bộ, nhân dân xã Thái Dương đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng di tích lịch sử cách mạng này. Năm 1994, đoàn nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh cũng đã về khảo sát. Trong đó, xác định được địa danh diễn ra sự kiện lịch sử là đất của nhà cụ Tư Hợi cũ và khu vực chùa ấp Dọn. Song trong quá trình thảo luận thống nhất nơi đặt nhà bia lại không tìm được tiếng nói chung. Phía Bảo tàng tỉnh cho rằng, vị trí đặt nhà bia phải nằm trên mảnh đất của nhà cụ Tư Hợi cũ hoặc khu vực chùa ấp Dọn. Phía lãnh đạo xã thời kỳ đó lại muốn đặt nhà bia ngay trong khuôn viên UBND xã. Vì sự bất đồng quan điểm mà gần 20 năm mọi việc dậm chân tại chỗ.
Từ tháng 3-2011, thể theo nguyện vọng của người dân và cũng nhìn nhận vấn đề một cách khoa học hơn, UBND xã đã khởi động lại việc đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để công nhận giá trị lịch sử ấp Dọn. UBND xã đã có đơn và tờ trình lên UBND, ngành văn hóa cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Chờ đợi lâu, bà con trong thôn đang có ý định tự xây tiền bái của ngôi chùa. Trước việc này, UBND xã phải đề nghị bà con tạm thời dừng lại để chờ cấp có thẩm quyền xem xét. Việc tự phát xây dựng sẽ có thể làm biến dạng hoặc mất hết những cứ liệu lịch sử hiếm hoi còn lại.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cuối, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Các di tích cách mạng luôn được ngành văn hóa quan tâm bảo tồn và phát huy. Địa danh ấp Dọn cũng đã được nhiền lần nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay, phòng chưa nhận được bất kỳ hồ sơ, giấy tờ nào liên quan đến đề nghị xét công nhận giá trị địa danh ấp Dọn.
Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận xét: Là địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng nên giá trị của ấp Dọn không còn phải bàn cãi. Nó không thua kém địa danh đình Đọ Xá (Chí Linh), nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Hải Dương. Nhưng đáng tiếc là đến nay, địa danh này vẫn chưa được nhìn nhận. Có nhiều nguyên nhân như vị trí các công trình diễn ra sự kiện đã bị chiến tranh tàn phá. Việc nghiên cứu, nhìn nhận địa danh này đúng ra phải được thực hiện từ ngay sau kháng chiến chống Pháp. Việc công nhận di tích lịch sử cách mạng ấp Dọn là hoàn toàn xứng đáng, tuy nhiên sẽ cần một lộ trình thời gian bởi hiện tại ấp Dọn mới chỉ đáp ứng được 2 trong 4 tiêu chí để xếp hạng di tích lịch sử, gồm: sự kiện lịch sử rõ ràng và có sự đồng thuận của chính quyền địa phương. 2 tiêu chí còn lại là: có công trình kiến trúc cụ thể; có hệ thống cổ vật, di vật và đất đai, cảnh quan đã được xác định, ấp Dọn chưa đáp ứng được. Phù hợp nhất hiện nay là dựng một nhà bia lưu niệm để ghi lại sự kiện này. Nếu có thể được thì xây dựng một nhà tưởng niệm. Để làm được điều này phải có sự đồng thuận về chủ trương của các cấp chính quyền; tổ chức hội thảo khoa học về việc bảo tồn và phát huy giá trị tại di tích; lập đề án trình UBND tỉnh. Ngoài ra, đây là cái nôi của báo chí cách mạng, vì vậy Hội Nhà báo các cấp cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này.
NGỌC HÙNG