Cuối năm, có một hoạt động được cử tri hết sức quan tâm tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Đó là việc lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu giúp cho từng vị lãnh đạo thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Lá phiếu đó đã nói thật, như lòng mong mỏi của toàn dân.
Nói thật là một tiêu chí ứng xử trong quan hệ xã hội. Từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn coi trọng sự thật. Người xưa có câu: “Thật thà là cha quỷ quái”, “Trăm cái hay không bằng lời ngay nói thẳng”. Trong gia đình, cha mẹ nào chẳng yêu thương con cái nên có câu "Mẹ hát con khen hay". Nhưng như thế chưa đủ. Cha mẹ cần dạy dỗ, chỉ bảo con cái, “uốn cây từ lúc còn non”, “bé không vin, cả gãy cành”. Trong quan hệ giữa các thành viên một đơn vị, lại càng phải trọng việc nói thật. Nói thật để giúp đỡ nhau làm việc tốt, bỏ cái xấu. Nói thật nói thẳng hay khó nghe. Nhưng người nghe cần bình tĩnh, tiếp thu, không nên nhìn người dám nói sự thật bằng con mắt khác. Tự phê bình và phê bình thì cần nói thật.
Sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng sự thật. Bác từng nêu gương tự phê bình trước đồng bào. Đó là vào năm 1952, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, cán bộ ta ở địa phương nọ có mắc sai lầm, khuyết điểm với người dân. Bác không sợ kẻ địch lợi dụng việc này để chống lại cách mạng. Bác công khai viết thư gửi đồng bào, trong đó có đoạn: “Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi là giáo dục, lựa chọn cán bộ chưa chu đáo”. (Thư gửi đồng bào Liên khu IV, Hồ Chí Minh tuyển tập). Bác coi trọng chữ “thật”. Trong Di chúc Bác viết trước lúc đi xa, có câu: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Hai chữ “thật”, biết bao ý tứ sâu sắc.
Trên thực tế, không phải ai cũng đủ dũng cảm để nói thật. Phê bình, góp ý với đồng chí, nhất là với người đứng đầu, thì hay nể nang, xuê xoa. Biết là có người kê khai tài sản và thu nhập không đầy đủ, nhưng khó góp ý thẳng. Nhiều việc khác cũng vậy. Thường là phát biểu ậm ừ, “nói chung, tuy nhiên…”. Phần lớn nói theo số đông, người ta thế nào mình cũng thế. Nói thật, mất lòng, có khi mang vạ vào thân (!). Nếu được giữ thái độ im lặng thì quả “im lặng là vàng”. Giữ im lặng như thế, chẳng những không tốt mà còn có hại. Vị tướng lừng danh nước Pháp Na-pô-lê-ông từng nói một câu triết lý nổi tiếng: “Thế giới đã chịu nhiều tổn thất, không phải vì sự tàn sát của kẻ xấu mà vì sự im lặng của người tốt”.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sống ở Hải Phòng vừa qua đời ở tuổi 81, là bạn vong niên của nhà văn Nguyên Hồng. Mà Nguyên Hồng, như chúng ta đã biết, những ngày cuối đời thường tỏ ra rất đau khổ, ấm ức trước bao điều chướng tai gai mắt, mọi người cứ chịu bất lực. Họ cứ phải nói dối. Một lần, Nguyên Hồng đến tìm nhà Bùi Ngọc Tấn. Vừa bước vào Nguyên Hồng nói ngay: Nghe đã nhé. Đây là câu kết một vở kịch Ba Lan. Trên sân khấu, nhân vật chính quay xuống nói với khán giả: “Các bạn có biết vì sao người ta hay nói dối không? Có hai lý do. Thứ nhất, người ta sợ nói khác mọi người. Thứ hai, người ta quá mệt rồi!”
Suy ra, nói thật không dễ. Phải chăng người ta phải rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên về nhiều mặt, trong đó có một việc là phải nói thật, đã là người tốt thì không được lặng im…
Trở lại câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm, đây là một hoạt động khá mới mẻ trong sinh hoạt của cơ quan lập pháp, tới nay mới tiến hành hai lần. Lần thứ hai này, sau hai năm, một số vị lãnh đạo đã “xoay chuyển” tình thế, tiêu biểu như Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình... Một số vị khác cũng soi vào tấm gương nói thật mà sửa mình, khắc phục khuyết điểm, yếu kém để tiến bộ. Từ thực tiễn đó, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Các phiếu tín nhiệm bắt nguồn từ một dạng văn hóa mới hình thành, xin được gọi là “văn hóa nói thật”. Hy vọng rằng từ văn hóa nói thật này, trên diễn đàn Quốc hội sẽ có thêm một dạng văn hóa nữa, là “văn hóa từ chức”. Tại sao không?