Đời sống

Nơi sống trong nhà nóng hơn ngoài trời

T.H (theo VnExpress) 15/06/2024 15:15

Bật điều hòa nhưng nhiều người Mỹ cho biết nhiệt độ trong nhà không thể mát hơn được bao nhiêu.

Nhiệt độ tăng cao khiến nhiều người dân Mỹ sống ở các khu vực có thu nhập thấp nói trong nhà nóng hơn ngoài trời. Ảnh minh họa: Genaro Molina / Los Angeles Times
Nhiệt độ tăng cao khiến nhiều người dân Mỹ sống ở các khu vực có thu nhập thấp nói "trong nhà nóng hơn ngoài trời"

Bà Gloria Gellot ở New Orleans, bang Louisiana, Mỹ, đang ngồi trên chiếc ghế đặt trước máy điều hòa không khí duy nhất của gia đình và xoa bóp đầu gối.

Người phụ nữ 79 tuổi treo một tấm vải ở cửa để giữ không khí mát mẻ trong nhà bếp và kéo rèm ngăn ánh nắng mặt trời lọt vào căn hộ của mình. Ngôi nhà của bà Gellot bị hư hỏng nặng do cơn bão Ida năm 2021 khiến hơi nóng dễ dàng xuyên qua những bức tường cũ.

"Tất cả sức nóng dồn hết vào đây. Tôi không cần phải ra ngoài trời bởi ngồi trong nhà cũng đủ rám nắng", người phụ nữ 79 tuổi nói.

Căn hộ của bà Gellot không chỉ chật chội mà còn cách nhiệt kém. Những người lớn tuổi sống một mình như bà thường nằm trong nhóm nguy cơ bị tổn thương cao nhất. Như năm 2023, mức nhiệt lên cao khiến 11.000 ca tử vong và 120.000 người phải cấp cứu.

Jaime Madrigano, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Johns Hopkins nhận thấy trong những đợt nóng cao điểm nguy cơ với người ở trong nhà lớn hơn những nơi khác.

"Số người tử vong trong nhà nhiều hơn cả người làm việc ngoài trời", Madrigano nói.

Như ngôi nhà bị bão tàn phá của bà Gellot đang thiếu lớp cách nhiệt. Lưới điện bị gián đoạn và ngừng hoạt động trong thời gian nhu cầu sử dụng năng lượng lên cao. Trong khi hệ thống làm mát đơn giản là không đủ mạnh để chống chọi với tình trạng nắng nóng gia tăng.

Một số chuyên gia bắt đầu cảnh báo về mối đe dọa sắp xảy ra của "Heat Katrina" - nắng nóng gây nguy cơ cao. Một nghiên cứu công bố năm 2023 đã mô hình hóa tình trạng mất điện liên quan đến sóng nhiệt ở các thành phố khác nhau, cho thấy nếu mất điện kéo dài hai ngày ở Phoenix có thể dẫn đến cái chết của hơn 12.000 người.

Hè 2023, Madrigano đã dẫn đầu một nhóm các nhà nghiên cứu đặt cảm biến nhiệt trong phòng ngủ của 70 tình nguyện viên trong khu dân cư có thu nhập thấp của bà Gellot.

"Giữa mùa hè nóng nhất trong lịch sử của New Orleans, khoảng một nửa số ngôi nhà có nhiệt độ vượt quá 27 độ C vào một thời điểm nào đó trong ngày", ông nói.

Với mức độ tăng nhiệt như hiện nay, những người tham gia nghiên cứu có nhiều triệu chứng bệnh hơn như: chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, suy nhược và mệt mỏi.

Điều hòa không khí không đủ sức chống chọi ở những thành phố ngày càng nóng hơn. Ảnh minh họa: Y.F
Điều hòa không khí không đủ sức chống chọi ở những thành phố ngày càng nóng hơn

Madrigano cho biết những người tham gia nghiên cứu như bà Gellot đều có điều hòa không khí. Thoạt nhìn có vẻ an toàn nhưng điều này tiết lộ rằng các thiết bị làm mát dường như không đủ sức chống chọi ở những thành phố ngày càng nóng hơn.

Simi Hoque, kỹ sư kiến trúc tại Đại học Drexel, người nghiên cứu cách thiết kế tòa nhà góp phần gây ra tích tụ nhiệt trong nhà, cho biết các loại hệ thống (làm mát) đã bán cách đây 10 năm không thể theo kịp thời tiết hiện đại.

Khi nhiệt độ tăng, máy điều hòa không khí phải hoạt động mạnh hơn theo cấp số nhân. Andrew Dessler, nhà khoa học khí hậu của Texas A&M, cho biết để giữ một ngôi nhà ổn định ở nhiệt độ 75 độ F (gần 24 độ C) cần thêm khoảng 30% năng lượng.

Nhưng một số máy điều hòa cũ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Thậm chí nếu có đáp ứng được, nhiều hộ gia đình không đủ khả năng chi trả hóa đơn tiền điện. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng còn tạo áp lực cho lưới điện, dẫn đến tình trạng mất điện luân phiên.

Kỹ sư Hogque cho biết nhiều tòa nhà, đặc biệt là ở các thành phố mát mẻ ở phía bắc nước Mỹ phần lớn không được thiết kế để chống chịu với nhiệt độ tăng cao. Cô bắt đầu quan tâm đến nhiệt độ trong nhà khi thực hiện một nghiên cứu về chất lượng không khí ở Philadelphia - nơi gia đình đang sống.

"Chúng tôi không thể ở trong phòng ngủ trên gác vào mùa hè, trừ phi mở máy lạnh. Nhưng cả gia đình tôi chỉ có một máy điều hòa, do vậy mọi người buộc phải ngủ trong một phòng", Hoque kể.

Dee Dee Green, người sống trong khu phố Hollygrove ở New Orleans - khu dân cư có thu nhập thấp, nói nắng nóng đang quá mức chịu đựng. Cô gái trẻ cho biết máy điều hòa không khí đã hỏng ba lần, qua ba mùa hè, nguyên nhân có thể là do hoạt động quá mức. Nắng nóng cũng khiến các cư dân tại đây không dám đi bộ ngoài đường.

Raymond Sweet, hàng xóm của Green, cho biết nhiệt độ trong nhà tăng cao cũng tạo gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

"Đơn giản như một quả chuối có thể bảo quản trong một tuần nhưng nay mọi thứ đều hư hỏng chỉ trong 2-3 ngày. Điều đó khiến bạn phải đến cửa hàng tạp hóa nhiều hơn, chi nhiều tiền hơn cho những thực phẩm dễ hư hỏng khi đặt trong căn bếp nóng bức", Raymond nói.

Khi nhiệt độ tăng cao bất thường, những người dân thu nhập thấp ở Mỹ có thể đủ điều kiện nhận quỹ hỗ trợ năng lượng liên bang nhằm giúp trang trải chi phí điều hòa không khí. Đặc biệt là sau đợt nắng nóng nguy hiểm vài mùa hè năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách ở New Orleand đã ban hành một sắc kệnh mới, yêu cầu chủ nhà cung cấp máy làm mát để duy trì nhiệt độ phòng ngủ dưới 26,7 độ C. Nhưng đến nay chương trình chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào, khiến các nhà quản lý chương trình bị hạn chế về phương tiện thực thi.

"Những thay đổi chỉ được thực hiện khi có điều gì đó nghiêm trọng xảy ra. Nhưng đối với những người như Gellot và hàng xóm của bà, điều đó đang xảy ra rồi", Hoque nói.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi sống trong nhà nóng hơn ngoài trời
    ss