Nguồn cảm xúc của "Bài ca năm tấn" được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí thai nghén và cho ra đời ngay trên đất Hưng Yên.
Lần ấy về công tác ở Hưng Yên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có kể với tôi về sự ra đời của bài hát "Bài ca năm tấn". Bài hát này được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong ca khúc có yếu tố liên quan tỉnh Thái Bình khiến nhiều người cứ lầm tưởng ông viết ngay trên mảnh đất này hoặc đi thực tế ở đây rồi về viết ra.
Nhưng không, nguồn cảm xúc của "Bài ca năm tấn" ấy lại được ông thai nghén và cho ra đời ngay trên đất Hưng Yên. Từ năm 1961 - 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống và làm việc ở Hưng Yên. Ông luôn có mặt ở các HTX để dạy hát cho các đội văn nghệ và tìm hiểu phong trào xây dựng HTX nông nghiệp. Khoảng năm 1964 - 1965, ông xuống một HTX ở huyện Yên Mỹ - nơi năng suất lúa đạt hơn 4 tấn/ha, đứng vào hạng nhất tỉnh Hưng Yên. Thời điểm đó, Trung ương đang phát động sản lượng lúa các HTX toàn miền Bắc phấn đấu đạt 5 tấn/ha. Thế là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác "Bài ca năm tấn". Trong bài hát có câu: "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất Hưng Yên không muốn nghỉ một ngày".
Khi bài hát đem đến Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hưng Yên duyệt để in phổ biến, lúc nghe xong ông Tuấn Doanh (lúc đó là Trưởng Ban Tuyên huấn) liền nói: "Nội dung bài hát thì rất hay. Nhưng nó lại không thật".
Nguyễn Văn Tý đang vui bỗng buồn hẳn, trong lòng có vẻ lo lắng thì ông Tuấn Doanh nói tiếp: "Không thật ở chỗ tỉnh Hưng Yên mình chưa đạt 5 tấn, mà đồng chí viết đạt 5 tấn là họ cười cho. Chỉ có tỉnh Thái Bình đạt 5 tấn thôi". Lúc này Nguyễn Văn Tý mới hết lo, ông khiêm tốn hỏi:
- Thưa anh, bây giờ nên thế nào! Bỏ bài hát này đi…
- Không. Cậu chẳng cần phải bỏ cả bài đâu, chỉ thay hai chữ thôi, chữ "Hưng Yên" thành chữ "quê ta" thì được cả cho Thái Bình, được cả cho Hưng Yên vì đâu mà chả là quê ta.
Nguyễn Văn Tý mừng quá, hát lại: "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày".
Trong sáng tác văn học nghệ thuật, việc lấy một người điển hình để nói mọi người, lấy một địa danh, một phong trào để nói lên cái toàn thể là chuyện bình thường. Nhưng viết mà hay, trúng với phong trào, hợp ý Đảng, lòng dân như trường hợp trên đây của Nguyễn Văn Tý hẳn đâu có dễ!
LÊ HỒNG THIỆN