Nỗi niềm phụ nữ muộn chồng

17/08/2023 08:07

Thanh Tâm, 38 tuổi, từng cam kết với gia đình sẽ kết hôn nhưng không "lấy cho có chồng", chỉ chấp nhận những đối tượng đủ tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn mà nữ dịch giả ở Hà Nội này đưa ra là một người đàn ông hơn cô mọi mặt, học thức tốt, biết tôn trọng phụ nữ, biết chia sẻ việc nhà, ngoài ra phải là người còn có tham vọng và bản lĩnh. Tâm cho rằng yêu cầu này không có gì quá đáng nhưng với người thân và bạn bè, họ nói cô đang hoang tưởng.

"Mẹ tôi từng khuyên, ở lứa tuổi mà khả năng sinh sản thấp, tính tình lại mạnh mẽ, ngoại hình không quá nổi bật đừng nên đòi hỏi quá cao", Tâm kể.

Dù nhiều lần tranh luận với mẹ, chứng minh ưu điểm bản thân là có nhà thành phố, thu nhập tốt, học vấn cao nhưng cô không thể phủ nhận thực tế, không có lợi thế nào bù đắp nổi cho tuổi tác.

Tuy vậy, Tâm luôn kiên định với điều kiện chọn bạn đời. Cô chia sẻ khi kết hôn đàn ông có xu hướng chọn những người kém họ một bậc và cô không chấp nhận mình là người đứng ở bậc thấp nhất.

Ảnh minh họa: idisciple.org

Hoàng Hương, 35 tuổi, một người bạn của Thanh Tâm, sống ở TP HCM nêu lý do đến bây giờ vẫn độc thân là "sợ lấy nhầm chồng".

Bố mẹ Hương là nông dân, để nuôi con gái học đại học rồi lên thạc sĩ, gia đình phải vay nợ khá nhiều. Khi tốt nghiệp, Tâm lên kế hoạch đi làm trả nợ rồi có một khoản tiết kiệm cho bố mẹ dưỡng già, cuối cùng mới kết hôn.

Nhưng thời gian không chờ đợi cô, mười năm trôi qua như trong nháy mắt. Càng ngày càng ít đàn ông vây quanh Hương. Trong nhóm bạn gái thời đại học, ba người đã chia tay khiến cô càng không hào hứng chuyện lấy chồng. Hương tâm niệm hôn nhân giống như một canh bạc, sai một nước phải trả giá cả đời. Bởi vậy, dù mọi người trong nhà cuống quýt lo chuyện chồng con của cô thì Hương vẫn bình chân như vại, đợi người phù hợp.

Những cô gái giống Hoàng Hương và Thanh Tâm thời nay không hiếm. Theo Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người ở thành thị là 29,8 tuổi. Số liệu ghi nhận có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 là 27,5 tuổi, năm 2020 là 28,0 tuổi và năm 2021 là 29,0 tuổi (bình quân mỗi năm tăng 0,8 tuổi). Đặc biệt, TP.HCM có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước (hơn 2,9 tuổi).

Theo chuyên gia tâm lý, hôn nhân Trịnh Trung Hòa, phụ nữ ngày càng nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, tự kiếm tiền và nuôi sống bản thân. Khi sự tự chủ tăng lên họ có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả việc lấy chồng hay không.

"Tuy nhiên, nhiều phụ nữ chọn sống độc thân không phải không muốn lập gia đình mà chưa tìm được bạn đời ưng ý", ông Hòa nói.

Những phụ nữ này thực ra luôn khát khao một cuộc hôn nhân hoàn hảo nhưng chưa được. Thời gian trôi qua, đến lúc họ phát hiện đã đi qua tuổi đẹp nhất và trở thành "gái lỡ thì". Lúc này, họ phải đối mặt với nhiều áp lực từ gia đình và xã hội.

Hoàng Hương luôn có cảm giác bị người thân chèn ép. "Mỗi lần về quê là mỗi lần đấu trí quanh chuyện thúc giục tôi kết hôn", cô nói.

Quan điểm của bố mẹ Hương là phụ nữ giỏi giang đến đâu cũng phải kiếm một tấm chồng. Người mẹ viện lý do bị suy tim, luôn nhắc nhở về mong muốn cuối đời thấy con gái yên bề gia thất. Cô cũng bị họ hàng đánh giá "học nhiều nhưng bất hạnh". Ở vùng quê này, phụ nữ đến tuổi mà chưa lập gia đình là một điều gì đó lạ lùng, nó khiến cô cảm thấy đó là trọng tội.

Thanh Tâm không ghét hôn nhân, ngược lại vì coi trọng tình yêu nên luôn hy vọng chờ được đúng người. Nhưng tuổi càng cao vẫn chưa tìm được mối ưng ý nên cô lại lao vào những cuộc hẹn hò mù quáng.

Tâm tham gia nhiều buổi giới thiệu nhưng không đạt hiệu quả. Người cô chê không có gu thẩm mỹ. Người đến cuộc hẹn với móng tay dài khiến cô cảm thấy buồn nôn. Thậm chí, có người thô lỗ với nhân viên phục vụ, bị Tâm đánh giá vô học.

Những cuộc xem mặt không thành khiến cô gái 35 tuổi cảm thấy mệt mỏi. Tâm khép kín hơn, ít giao lưu với bạn bè và người xung quanh. Một phần vì bạn bè vướng bận gia đình, một phần vì nhiều tuổi chưa kết hôn, đi đâu cũng sẽ bị hỏi han.

"Đàn ông điều kiện tốt đều đã có gia đình. Còn đàn ông chưa kết hôn tôi từng gặp điều kiện lại không đủ, nhiều lúc cảm thấy bất lực", Tâm thừa nhận.

Sự bất lực của Thanh Tâm cũng là tâm trạng chung của phụ nữ nhiều tuổi chưa kết hôn. Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, đa phần phụ nữ ở lứa tuổi này không chấp nhận lấy người đàn ông kém họ mọi mặt. Khi chưa gặp đúng đối tượng, một số người sẽ tích cực tìm kiếm, số khác lại có tâm lý không ép buộc bản thân mà âm thầm chờ đợi. Họ tin rằng thay vì hẹn hò mù quáng tốt hơn hết là tin vào số phận, rồi một ngày sẽ gặp. Nếu không, cứ sống tốt với cuộc sống hiện tại.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Giám đốc trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) những người định vị được bản thân, biết mình là ai, họ có điều kiện và có quyền kén nhưng đáng lo ngại nhất là nhóm ảo tưởng. "Họ mải mê đi tìm một ảo ảnh. Họ khao khát lập gia đình nhưng không thành hoặc dễ tìm sai đối tác, bởi những người sở hữu đặc điểm ưu tú sẽ tìm đối tượng ưu tú tương xứng", bà Tâm nói.

Xuân Lan, giáo viên ở Thanh Miện, Hải Dương là trường hợp tìm sai đối tác. Ở tuổi 36, cô vội vàng kết hôn khi có người ngỏ lời. So với nền tảng gia đình, học vấn và địa vị xã hội, chồng hoàn toàn thua kém cô. Lý do duy nhất để Lan kết hôn là quá mệt mỏi khi bị mọi người bàn tán việc lấy chồng.

Nhưng giữa họ không có tiếng nói chung. Mỗi lần Lan chia sẻ về công việc, chồng không hiểu, trong khi việc sửa chữa xe máy của anh cô cũng chưa từng để mắt tới. Họ lặng lẽ làm việc riêng, hiếm khi nói chuyện. Sau ba năm hôn nhân, Lan quyết định ly hôn và chồng cũng thuận tình.

Từ sai lầm này, Lan nhận ra với hôn nhân, phụ nữ không nên để dư luận dẫn đường, làm gì cũng nên suy nghĩ cho bản thân và nghe trái tim mách bảo.

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa đồng ý với nhận định này. Theo ông, dù lựa chọn kết hôn hay độc thân, phụ nữ cũng nên chuẩn bị một tinh thần mạnh mẽ, bởi cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng.

"Quan trọng là mỗi người nên nắm quyền điều hành cuộc đời mình và hạnh phúc với lựa chọn đó", ông Hòa nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm phụ nữ muộn chồng
    ss