Vì kế mưu sinh, biết bao người phải rời xa quê đi lập nghiệp nơi xứ người. Vì tình yêu thương ôm cháu trong tay, nhưng trong lòng những người bà ấy luôn đau đáu bao nỗi niềm...
Đi chăm cháu ở xa nhưng bà Nụ vẫn ngổn ngang bao việc dưới quê nhà
Vì tình yêu thương
Gần 9 giờ tối, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Biên và chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân ở trọ tại phường Nhị Châu (TP Hải Dương). Căn phòng trọ tuềnh toàng với những vật dụng sơ sài. Bà Nguyễn Thị Nụ (mẹ đẻ anh Biên) ngồi trên võng, tay vấn lại mớ tóc dài, mắt chăm chú theo dõi đứa cháu 10 tháng tuổi đang nằm chơi trên chiếc phản sát nền đất. Cháu bé là con thứ 2 của anh chị nên đây cũng là lần thứ 2 bà Nụ khăn gói từ quê nhà ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) ra trông cháu. Bà Nụ cho biết: "Tôi thương các con đi làm ăn xa vất vả. Đã thế thu nhập cũng eo hẹp. Bình thường phải chi tiêu dè xẻn, các con mới dành dụm được một chút ít. Giờ mà phải dành tiền gửi con nữa thì túng bấn lắm. Hơn nữa mẹ cháu sinh được 6 tháng đã phải đi làm, cháu còn bé, nhờ người khác trông tôi không yên tâm, ở quê cũng thấp thỏm".
Bà Nguyễn Thị Liểu ở xã Hồng Thái (Ninh Giang) cũng đã 3 lần khăn gói lên TP Hải Dương trông cháu cho các con đi làm công nhân. Cứ trông đứa này lớn, cứng cáp, đủ tuổi đi nhà trẻ lại đến lượt đứa kia ra đời. Bà Liểu kể, có lúc bà trông cháu nội. Khi cháu đã lớn, bố mẹ cho đi nhà trẻ để bà về quê quán xuyến việc nhà. Nhưng cháu bé kén ăn, đi lớp thường xuyên đau ốm, mãi không lớn được. Xót cháu, bà lại lên thành phố cặm cụi chăm cháu thêm một thời gian nữa. Cô con gái của bà làm việc một mình trên thành phố, nên khi sinh đứa thứ 2 bà lại phải hỗ trợ. Thương con, thương cháu, bà cứ lấn cấn ở lại chăm cháu đến hơn 1 tuổi. Để tiếp tục làm việc thì mẹ cháu đành phải để cháu ở quê với bà và gia đình.
Cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều công nhân lao động từ các vùng xa tập trung về làm việc. Những công nhân ấy nếu muốn gắn bó lâu dài sẽ phải tính đến việc lập gia đình và sinh con. Khi ấy bao nỗi lo toan lại chất chồng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Hải Dương chưa có nhà trẻ nào đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân ở gần các khu công nghiệp với mức phí phải chăng, phù hợp với nguồn thu nhập. Toàn tỉnh mới chỉ có Công ty TNHH Shints-BVT xây dựng nhà trông trẻ miễn phí cho con công nhân trong công ty. Do đó, đa phần công nhân không có sự lựa chọn nào khác là phải gửi trường tư, điểm trông trẻ tư nhân với mức phí đắt đỏ hoặc nhờ người thân từ quê ra chăm sóc con. Bởi vậy luôn có những người bà như bà Nụ, bà Liểu vì tình yêu thương con cháu nên sẵn sàng dành thời gian chăm cháu, cho các con yên tâm đi làm.
Cuộc sống đảo lộn
Đối với người lớn tuổi, nhất là phụ nữ vốn "một tay quán xuyến gia đình", bao năm gắn bó nơi làng quê, thì đi xa và phải sống gò bó trong những căn phòng trọ chật chội, nếp sinh hoạt đảo lộn chẳng dễ chút nào. Sở dĩ chúng tôi phải đến thăm gia đình anh Biên, chị Thúy vào khoảng thời gian ấy vì biết anh chị tăng ca, về đến nhà lo cơm nước xong cũng đã khá muộn. Bà Nụ bảo, giờ này ở quê, bà đã lên giường ngủ từ lâu. Buổi tối khi các con đi làm về, bà còn vui vẻ và đỡ nhớ nhà. Còn những lúc ở nhà bế cháu một mình lòng bà chộn rộn lắm. Bà lo cho ông sức khỏe mấy năm nay không tốt, sợ ông không cơm nước chu đáo hằng ngày. Nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, giờ bà phải thuê người làm nên kinh tế cũng khó khăn. Ngày xưa ở quê, bà làm luôn chân luôn tay mà không biết mệt. Đi trông cháu chỉ quẩn quanh trong nhà lại đâm ra đau nhức xương khớp. Lâu nay bà khắc phục bằng cách dậy sớm đi tập thể dục vào các buổi sáng...
Giờ nghĩ lại thời gian đi trông cháu ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương), bà Phạm Thị Nhẹn (Bắc Ninh) vẫn còn e ngại. Con gái bà là công nhân ở khu công nghiệp Đại An rồi lấy chồng làm tại Công ty TNHH Long Hải. Ở nhà, bà Nhẹn có biết bao việc như làm ruộng, nuôi lợn gà... Vậy mà khi con sinh cháu, bà không còn cách nào khác phải đi trông cháu. Bà Nhẹn chia sẻ: "Phòng trọ con tôi thuê chật chội. Muốn ở phòng rộng nhưng chẳng đủ tiền thuê. Sinh hoạt của cả gia đình bí bách lắm. Mọi việc ở quê một mình chồng tôi gánh vác không xuể. Tôi đang lo nếu các con sinh thêm đứa nữa chưa biết sẽ giúp đỡ ra sao vì sức khỏe ngày càng yếu mà tôi cũng còn những đứa cháu khác phải chăm sóc".
Dường như khi sinh con thì chị Phạm Thị Nhàn (con gái bà Nhẹn) cũng như bao công nhân xa quê mới cảm nhận hết nỗi vất vả. Có lẽ hơn bao giờ hết họ thấy rõ giá trị to lớn của những ngôi trường dành cho những đứa trẻ đáp ứng đúng nhu cầu, phù hợp với thu nhập, để những người bà vơi bớt nhọc nhằn, lo toan vì con vì cháu. Mong rằng mong ước ấy sớm được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ trong thời gian không xa.
NGỌC THANH