Mùa đông và những cơn gió đi hoang thường làm thổn thức lòng người, thường đưa con người ta tìm về với những hoài niệm bâng quơ, những ký ức ngọt ngào. Như là buổi chiều nay…
Có ai đó đã từng ví mùa đông như là mùa của nỗi nhớ, mùa của những yêu thương. Thật đúng! Cái lạnh càng làm cho con người ta khao khát được ở gần nhau hơn, muốn được sưởi ấm cho nhau, muốn được bên nhau trong những tháng ngày đông dài. Cơn gió lạnh mùa đông, mỗi con đường, mỗi góc phố mùa đông với cảnh vật tĩnh lặng, quạnh hiu, tất cả đều làm cho ta chạm vào nỗi nhớ, để rồi nỗi nhớ ấy được gọi thành tên lại bừng lên thao thiết, nhớ về người mình thương với một niềm yêu cháy bỏng trong lòng. Quán nhỏ kỷ niệm với những cây bàng lá đỏ, với hương cà phê thơm nồng, một cái nắm tay siết chặt, một ánh mắt dịu dàng đầm ấm. Thế nên, ký ức dù đã xa lắm nhưng vẫn cứ đọng lại mãi trong lòng những dư vị ngọt ngào, ấm êm. Và bởi càng đẹp thì lại càng làm cho con người ta đau đáu với những dòng hoài niệm xa xôi, những hình ảnh hiện lên vơi đầy trong tâm trí.
Mùa đông, người ta thường khao khát với giấc mơ trở về với mái ấm gia đình ấm áp yên vui bên ánh lửa củi hồng. Nếu ai đã từng trải qua những tháng ngày mùa đông ở miền Bắc thì sẽ cảm nhận rất rõ và thấm thía cái giá lạnh vào những ngày cuối năm dữ dội đến thế nào. Và bởi thế mới có thể cảm thấu được sự cô đơn, trống vắng trong lòng của những người con xa quê khi không có những người thân yêu bên mình. Màu trời xam xám, những con gió âm u thổi, xạc xào cây lá bay đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác nên những bài thơ hay, những bản nhạc tuyệt vời. Cùng là tâm trạng ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng có tuyệt phẩm “Đêm đông” bất hủ, lay động biết bao tâm hồn người yêu nhạc xưa nay. Cảm giác đêm như dài vô tận, kéo mãi đến vô cùng. Và gió, gió thông thốc vào lòng người: “Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu/ Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng/ Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”.
Đêm đông. Ta chạnh lòng thương cho những người lang thang cơ nhỡ. Thương cho chị lao công vất vả đêm khuya, thương cho chị hàng ngô, hàng sắn vẫn miệt mài với những tiếng rao đêm khi nhà nhà đã say giấc nồng. Đêm đông, ta giật mình thức giấc khi mẹ vẫn cặm cụi ngồi bó buộc những mớ rau để chuẩn bị sáng mai gồng gánh cho kịp phiên chợ làng. Thương những đêm dài mẹ cứ mãi trở mình lo âu, ngày mai có còn rét đậm, rau ngoài đồng có rũ lá héo khô? Ta bồi hồi nhớ những tháng ngày cơ hàn vất vả. Nhớ những tháng ngày đi học về, lại chạy ngay ra đồng để cắp rá đi mót từng đụn khoai, cái bắp để mang về cho mẹ chuẩn bị những bữa sau. Giữa đêm mùa đông nhớ thương sao những quầng sáng chong đèn bên bàn học. Những ngọn đèn cần cù thao thức suốt canh thâu.
Chiều đông. Lòng thật bình yên khi đứng giữa mênh mông cánh đồng màu để ngắm nhìn một màu xanh trải rộng dài xa tít tắp. Những là ngô, những là khoai và đủ các loại rau màu. Lòng bỗng chùng xuống, thấy thương sao những đôi chân trần nứt nẻ vẫn lặng thầm lội lặm trong cái rét mướt giữa chiều. Thương những đôi bàn tay chai sần, tảo tần lam lũ, những đôi vai gầy với những gánh gồng bao nỗi lo toan mỗi khi thời tiết cứ đỏng đảnh chẳng theo mùa.
“Thích nhá. Ngoài ấy đang lạnh rồi phải không? Trong này có mơ mãi mà chả được đấy bạn ạ”. Lòng bỗng dưng mỉm cười đầy thú vị. Ừ nhỉ, mùa đông quả thực không đáng ghét như lâu nay nhiều người vẫn thường có định kiến về nó. Chính cái gió, cái lạnh của mùa đông lại giống như là một cô gái có nét duyên ngầm quyến rũ. Ở một phương trời xa xôi kia, giữa cái nắng vàng rực rỡ, không ít người đã phải khát thèm, ước sao được trở về với mùa đông, thèm một cơn gió hoang để "hong" lại chút "hương xưa". Sự xa cách dường như chỉ là để thử thách lòng người. Có chia xa mới có ngày hạnh ngộ. Khi ấy niềm vui càng trở nên tròn đầy hơn. Hạnh phúc qua gian nan mới càng trở nên có ý nghĩa, càng khiến cho con người ta nâng niu, gìn giữ.
Qua hết mùa đông, nắng xuân sẽ về.
VŨ THỊ THANH HÒA