Nỗi nhớ gửi vào câu thơ

25/12/2022 07:21

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát "Nỗi nhớ mùa đông", được nhiều người yêu mến. Theo như lời kể của nhạc sĩ Phú Quang thì bài thơ "Không đề gửi mùa đông" của nữ thi sĩ Thảo Phương (1949-2008), được viết vào đầu những năm 90 thế kỷ XX.

Không đề gửi mùa đông

Dường như ai đi ngang cửa,
Hay là ngọn gió mải chơi?

Chút nắng vàng thu se nhẹ,
Chiều nay,
Cũng bỏ ta rồi.

Làm sao về được mùa đông?
Chiều thu - cây cầu...
Đã gãy.

Lá vàng chìm bến thời gian,
Đàn cá - im lìm - không quẫy.

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa,
Vờ như mùa đông đang về!

THẢO PHƯƠNG

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát "Nỗi nhớ mùa đông", được nhiều người yêu mến. Theo như lời kể của nhạc sĩ Phú Quang thì bài thơ "Không đề gửi mùa đông" của nữ thi sĩ Thảo Phương (1949-2008), được viết vào đầu những năm 90 thế kỷ XX. Thực ra, tôi tìm đến bài thơ này sau khi ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông" đã trở nên rất phổ biến. Những khi ngâm ngợi một đôi dòng thơ của chị, tôi lại bất chợt khe khẽ hát...

Biết nhà thơ Thảo Phương, tên thật là Nguyễn Mai Hương, quê huyện Gia Viễn (Ninh Bình) thì tôi càng hiểu, càng thấm hơn nỗi niềm "Không đề gửi mùa đông". Khi chị đặt bút viết bài thơ này là thời gian chị sống ở phương Nam, tại TP Hồ Chí Minh, nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên từng viết "Anh ở trong này không có mùa đông" trong lời một ca khúc của ông. Vì thế không bỗng dưng mở đầu bài thơ, Thảo Phương viết: "Dường như ai đi ngang cửa/ Hay là ngọn gió mải chơi?".

Đấy là nỗi nhớ quê da diết mà nhà thơ nhiều năm chưa có dịp trở lại. Thảo Phương tự cho mình như một ngọn gió mải chơi, phiêu bạt đến những phương trời xa xôi. Tâm trạng của những kẻ tha hương là vậy. Càng xa, càng da diết nhớ quê. Chị có thời gian thơ ấu sống ở vùng quê bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) nổi tiếng. Mùa thu, trong sắc nắng vàng là bưởi, thứ hương bưởi chắc theo nhà thơ đi suốt cuộc đời. Đấy là vùng quê miền trung du, là con gái, chắc chắn nhà thơ gội đầu bằng thứ nước vàng sánh, chế từ các loại lá thơm với vỏ bưởi phơi khô. Giữa đô thị ồn ã, nhà thơ càng nhớ, bởi chị dự cảm như là đánh mất thứ hương thu vàng trong bưởi ấy: "Chút nắng vàng thu se nhẹ,/ Chiều nay,/ Cũng bỏ ta rồi". Và như để chắc chắn hơn: "Làm sao về được mùa đông?/ Chiều thu - cây cầu.../ Đã gãy".

Cây cầu nêu trong bài thơ là hình tượng thời gian, nhịp nối giữa ký ức và hiện tại, càng làm cho nỗi nhớ da diết hơn. Sau khắc tàn thu là mùa đông, mùa lá vàng rơi rụng. Ai đã từng ở miền trung du Phú Thọ mới biết, vào đông màu vàng là gam màu chính, sắc vàng trùm suốt không gian. Những ruộng bậc thang là màu vàng lúa, vàng khô lá xoan (miền Nam gọi cây sầu đông), vàng đến thẫn thờ hoa cúc... Trong sắc vàng ấy là sự hanh khô, sương giá, nước trên các dòng sông, ở ao làng trong thấu đáy, nói như cụ Tam Nguyên Yên Đổ đến mức "lạnh lẽo nước trong veo". Có lẽ thế nên Thảo Phương mới hạ bút: "Lá vàng chìm bến thời gian/ Đàn cá - im lìm - không quẫy".

Từ không gian ấy, với hình ảnh lá vàng dù đã "chìm bến thời gian", nhưng nỗi nhớ, hoài niệm, sự khắc khoải về quê miền Bắc không thể chìm trong tâm khảm nhà thơ. Sự "chìm bến thời gian" kia là sự một đi không trở lại. Vì thế, đàn cá trong dòng sông cuộc đời có thật im lìm, không quẫy? Viết hai câu thơ trên, Thảo Phương càng không thể giấu được nỗi lòng mình, sau khi đã đi suốt trong bể dâu cuộc đời. Đúng là Thảo Phương không giấu được nên chị đã thổ lộ: "Ừ, thôi.../ Mình ra khép cửa/ Vờ như mùa đông đang về!".

Nhạc sĩ Phú Quang đã gọi được hồn thơ của Thảo Phương ấy là "nỗi nhớ mùa đông". Nhưng trên hết là nỗi nhớ quê, nhớ tuổi thơ, nhớ những người thân ruột thịt của lòng người xa xứ. Là con người, ai cũng có miền quê để nhớ, ở Thảo Phương đấy là quê hương miền Bắc, nơi có mùa đông, dù có thể lòng người rất lạnh, dù "lá vàng chìm bến thời gian" và "đàn cá-im lìm-không quẫy", nhưng dòng sông cuộc đời chị không ngừng chảy. Vì nơi đó chị không chỉ có nỗi nhớ mùa đông, mà còn có ký ức những triền đồi, nơi dòng sông Hồng, sông Lô còn chảy...

NGUYỄN ĐÌNH XUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi nhớ gửi vào câu thơ