Học tập Bác, cán bộ, đảng viên hành động từ những việc nhỏ nhất, hành động vì cộng đồng, vì xã hội; nơi nào dân còn đói, còn khó khăn thì người cán bộ, đảng viên tự cảm thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, diễn ra sáng 12.6 tại Hà Nội có ý nghĩa định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc học tập, làm theo tấm gương của Bác về tư tưởng, đạo đức, phong cách và thực hành nêu gương.
Nhân dân tin tưởng, làm theo là nhờ tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên
Làm rõ hơn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, nêu gương không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mà còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng cách nêu gương để quần chúng noi theo, làm theo.
“Đảng lãnh đạo thông qua Nghị quyết, Chỉ thị, thông qua chính sách, bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo thông qua những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, cán bộ chức vụ càng cao thì càng phải coi trọng nêu gương và thực hành nêu gương cho tốt. Bởi nhân dân ta có câu: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Nhân dân tin tưởng, đi theo, làm theo là nhờ những tấm gương sáng của cán bộ, đảng viên” – GS.TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Nêu thực tiễn thời gian qua không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thoái hóa, biến chất, “nói không đi đôi với làm”, "nhúng chàm”, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, bộ phận cán bộ này đã gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Song với quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” Đảng ta đã kiên quyết xử lý những cá nhân mắc sai phạm, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì. Những kết quả đó đã làm nức lòng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh, thức tỉnh và răn đe những ai đã vào guồng máy quyền lực thì hãy giữ gìn bàn tay sạch, đừng để nhúng chàm, nếu đã trót nhúng chàm thì hãy quyết tâm, dũng cảm để sửa chữa.
“Lần này chúng ta nghiêm túc, tự giác thực hiện một cách có hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ đã được chỉ ra tại Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Cán bộ, đảng viên phải ý thức được trách nhiệm nêu gương của mình và thực hành nêu gương. Đây không chỉ là nhiệm vụ và còn là niềm vinh dự của người cán bộ, đảng viên, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"”
GS.TS Lê Hữu Nghĩa nói như vậy và nhấn mạnh bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa định hướng, như một Chỉ thị của Đảng đối với cán bộ, đảng viên các cấp, bất kỳ ai, giữ chức vụ gì đều phải nêu gương, từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đến cấp ủy các cấp đều phải thực hành nêu gương cho tốt.
Học tập, làm theo Bác từ những hành động cụ thể hàng ngày
Thẳng thắn chỉ ra việc làm theo Bác lâu nay vẫn đang là khâu yếu, PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương của Bác không phải là điều gì to tát, ghê gớm, không phải ở những ý tưởng cao siêu, mà học tập và làm theo Bác từ những hành động cụ thể hàng ngày của mỗi người. Đầu tiên là thể hiện sự liêm khiết, sống tử tế của mỗi con người, hành động vì sự nghiệp chung của địa phương, cơ quan, ban ngành.
Học tập và làm theo Bác còn thể hiện ở “nói đi đôi với làm”. Đối với cán bộ, đảng viên phải thực hiện cho được những điều đã cam kết với dân, từ lý tưởng, mục tiêu kế hoạch, định hướng phát triển đã đặt ra. Đó là những cam kết làm cho xã hội ngày một giàu mạnh hơn, cam kết chăm lo cho đời sống nhân dân càng ngày càng tốt hơn, cuộc sống của xã hội ngày càng tươi đẹp hơn. Và hơn hết, mỗi người cần thể hiện việc sống lành mạnh, tử tế, vợ, chồng, con cái không xa hoa, ăn chơi, không phô trương; bản thân cán bộ, đảng viên không tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa.
“Tổng Bí thư đã nói: Làm theo Bác là thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo", hiện thực hoá bằng những chương trình hành động cụ thể. Cán bộ, đảng viên hãy hành động từ những việc nhỏ nhất, đầu tiên hãy là một công dân tốt, không tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm; hành động vì cộng đồng, vì xã hội, nơi nào dân còn đói, còn khó khăn thì người cán bộ, đảng viên tự cảm thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ” – ông Lê Quốc Lý nói và nhấn mạnh, mỗi người cần học Bác ở việc kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đừng để bản thân sa vào câu chuyện kiếm chác tiền bạc không phải từ sức lao động, sự sáng tạo của mình. Hành động thực tiễn của mỗi người ngày hôm nay là vì việc chung, vì lợi ích của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nói là nêu gương nhưng điểm đầu tiên là mọi người cần sống và làm tốt theo quy định của Đảng, Nhà nước, cán bộ đảng viên ở cấp nào thì làm tốt nhiệm vụ ở cấp đó.
“Trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa vừa qua, Đảng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao mắc sai phạm đã bị trừng phạt. Lần này theo tinh thần của Đảng, tất cả đảng viên phải luôn hoàn thành công việc của mình, luôn nêu gương bằng những hành động cụ thể; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào để Đảng ta ngày càng mạnh, xã hội ngày càng tốt hơn, tất cả đảng viên đều xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân” - PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.
Theo VOV