Nơi nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh

13/11/2017 10:50

Nhiều năm nay, Trung tâm Hoạt động nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) đã trở thành nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng nhiều mảnh đời bất hạnh. Ở nơi này, các em được bao bọc, yêu thương...


Các bà, các mẹ trong trung tâm luôn chăm sóc các cháu tận tình, chu đáo

Nhiều thân phận bị chối bỏ

Chiều cuối thu, trời se lạnh. Mặc cho tiếng nô đùa ầm ĩ của đám học sinh trường tiểu học ngay sát bên, trên chiếc giường nhỏ trong Trung tâm Hoạt động nhân đạo, hai anh em song sinh H.Q.H. và H.T.L. vẫn nằm lặng lẽ. Đã hơn 2 tuổi nhưng cơ thể của H. và L. vẫn bé như cái kẹo. Chứng bệnh bại não từ khi mới sinh đã lấy đi của hai anh em tất cả mọi thứ. Nếu như cậu anh còn bò quanh quẩn trên giường được thì cậu em cả ngày phải nằm yên một chỗ. L. nằm đó với đôi bàn tay co quắp, cái đầu nặng nề, to quá khổ không tự nhấc lên khỏi giường được. Theo lời kể của các anh chị trong trung tâm, anh em H., L. được mẹ mang đến từ tháng 5.2015. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền chạy chữa, nuôi dưỡng nên sau khi sinh được vài ngày, mẹ các em đành dứt ruột gửi con đến trung tâm với hy vọng một nhà hảo tâm nào đó có thể dang tay chăm sóc, chạy chữa cho con mình. “Thời gian đầu người mẹ này còn thỉnh thoảng quay lại trung tâm thăm hỏi con mình, nhưng mấy tháng gần đây không thấy quay lại. Có thể chị ấy không dám đối diện với các con, không dám nhìn vào đôi mắt của chúng”, anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Hoạt động nhân đạo chia sẻ.  

Theo cán bộ ở đây, các cháu vào trung tâm một cách “đường đường chính chính”, tức là có người nhà mang đến tận nơi gửi gắm, có tên tuổi, quê quán đầy đủ như H. và L. rất hiếm. Đa phần các cháu vào trung tâm theo cách thực sự đáng thương. Những sinh linh mới vài ngày tuổi, còn đỏ hỏn trong bộ quần áo mỏng manh nằm co quắp trong hộp giấy đặt trước cổng trung tâm hoặc bị bỏ lại nơi chân cầu, cổng chùa hay bệnh viện. “Các cháu vào đây hoàn toàn trần trụi. Không có bất cứ thứ gì kèm theo ngoài mấy bộ quần áo và một bình sữa nhỏ. Không ngày tháng năm sinh, không họ tên, quê quán. Mới sinh ra đã bị chối bỏ, lại không được chăm sóc cẩn thận nên các cháu rất yếu ớt, hay ốm đau, bệnh tật”, chị Cao Thị Thu Phương, cán bộ phụ trách bộ phận nuôi dưỡng của trung tâm cho biết. Như trường hợp của cháu T.D.B., bị bỏ từ ngày 14.2.2017 lúc mới mấy ngày tuổi nên cháu thường xuyên ốm đau, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở trung tâm. B. mắc bệnh phổi mạn tính, thường xuyên phải đi viện để điều trị. Nhìn cậu bé gầy gò, xanh xao, không ai nghĩ em đã gần 1 tuổi. “B. mới đi viện về đấy! Bác sĩ bảo bệnh của cậu không thể chữa khỏi. Mới bé tí mà đã ốm đau, bệnh tật suốt ngày! Đáng thương lắm!”, chị Phương cho biết thêm.


Các cháu rất cần những tấm lòng của các nhà hảo tâm

Mặc cho những ồn ã, vội vàng, bon chen ngoài kia, ở đây, trong những căn phòng nhỏ, các con vẫn vô tư vui đùa. Những ánh mắt con trẻ vẫn đen lay láy, những nụ cười vẫn giòn tan. "Có lẽ các cháu còn quá nhỏ để nhận thấy sự thiệt thòi mà mình phải gánh chịu. Mỗi cháu mang một thân phận khác nhau. Chỉ có sự bất hạnh là giống nhau. Mới vài ngày tuổi đã bị bỏ rơi. Không cha, không mẹ, không có gì để chứng minh mình có mặt trên cõi đời, không một manh mối lần tìm quê hương bản quán", anh Dũng ngậm ngùi chia sẻ.

Đến với trung tâm, có những trường hợp khiến các cán bộ ở đây thực sự ám ảnh, giày vò. Cách đây gần một năm, trung tâm có tiếp nhận một cháu mới được vài ngày tuổi. Khoảng 4 giờ chiều cháu được đưa vào trung tâm trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Sau khi tiếp nhận, cháu được đưa ngay lên bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã làm hết sức mình. Ai cũng cầu trời, cầu Phật nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra. “Ở với chúng tôi đến đêm thì cháu ra đi. Mọi người nhìn cháu trong sự bất lực. Lúc đó ai cũng trách người mẹ, người cha nào đó nhẫn tâm bỏ đi núm ruột của mình, thương cho cuộc sống ngắn ngủi của cháu”, anh Dũng nhớ lại.

Cần lắm những tấm lòng thơm thảo

Ngồi soạn thùng quần áo của một người hảo tâm vừa gửi đến, cô Nguyễn Thị Thu, nhân viên ở đây hồ hởi: “Cái này cho B. này! Cái này cho T., cho L. này! Toàn đồ mới, tha hồ mặc nhé!”. Gắn bó với các cháu hơn 3 năm nay, cô Thu luôn phấn khởi như thế mỗi khi nhận được quà của các nhà hảo tâm gửi cho các cháu, vì theo cô: “Trung tâm còn rất nhiều khó khăn nên thêm cho các cháu được tí nào thì các cháu bớt khổ tí đó. Tôi cùng với mấy cô nữa được giao nhiệm vụ lo cho các cháu từ ăn mặc, tắm rửa hằ̀ng ngày. Vất vả thì nhiều nhưng thấy các cháu thiệt thòi, bất hạnh như vậy chúng tôi lại bảo nhau cố gắng”. Theo chị  Phương, hiện trung tâm đang nhận chăm sóc 17 cháu, cháu nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi. Chị Phương cũng nhắn nhủ: “Trời chuyển lạnh rồi, các cháu rất cần bỉm, sữa và quần áo mùa đông. Mong những nhà hảo tâm hãy mở rộng tấm lòng cho các cháu bớt tủi”.



Tìm cho các con mái ấm gia đình luôn là mong ước cháy bỏng của các anh, các chị ở đây. “Các cháu thiệt thòi từ khi mới sinh ra nên việc tìm một mái ấm gia đình để các cháu nương tựa vừa là mong muốn, vừa là trách nhiệm của chúng tôi. Việc nhận con nuôi phải tuân thủ theo quy định chặt chẽ của pháp luật và do các cơ quan cấp trên quyết định. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm bàn giao các cháu khi các cơ quan cấp trên yêu cầu. Trong nhiều trường hợp trung tâm phải cử người tìm hiểu kỹ đối tượng nhận nuôi là ai mới bàn giao các cháu cho gia đình mới”, anh Dũng chia sẻ.

Sau khi bàn giao các cháu cho gia đình nhận nuôi, khi biết các cháu khỏe mạnh, được bố mẹ nuôi yêu thương, được học hành tử tế, các cán bộ ở đây mới cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Như cháu B.B.P. có mẹ người Thanh Hà, khi mẹ bỏ đi, cháu ở với ông ngoại. Người ông già yếu không nuôi được đã đem cháu đến trung tâm nhờ nuôi dưỡng. Một thời gian sau, cháu được giới thiệu làm con nuôi một gia đình có chồng là người Israel, vợ là người Pháp. Lúc ở trung tâm, P. có biểu hiện tự kỷ, ít tiếp xúc với mọi người. Từ khi đến với gia đình mới, P. thường được bố mẹ cho đi theo trong các chuyến công tác nên hoạt bát, vui vẻ hẳn lên. Cháu được bố mẹ cho học trường quốc tế, hiện có thể giao tiếp thông thường 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Israel. Hay như cháu T.T.T. được giới thiệu làm con nuôi một gia đình có bố làm giáo viên, mẹ là cán bộ huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng). Cháu được bàn giao cho gia đình từ đầu năm 2015. Hiện tại, T. đã hơn 3 tuổi, hòa nhập tốt với gia đình, được bố mẹ nuôi rất yêu thương.

Một con người có tấm lòng nhân ái thường được anh Dũng nhắc tới khi nói chuyện với mọi người, đó là một cô giáo người Úc. Cháu N.N.H. bị bỏ rơi ở Bệnh viện Nhi và được đưa vào trung tâm từ năm 2015. H. bị tàn tật từ lúc mới lọt lòng nên các cán bộ trung tâm sợ nếu không ai nhận nuôi, cháu sẽ rất khổ. Thật may cho H., một cô giáo người Úc sang Việt Nam giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận cháu làm con nuôi, đưa cháu lên Hà Nội thuê bác sĩ chữa trị. Sau một thời gian, H. đã đi lại gần như bình thường. “Vừa rồi cô giáo ấy đã về trung tâm cảm ơn mọi người đã đưa H. đến với cô. Cô ấy nói cô ấy thực sự hạnh phúc”, anh Dũng cho biết thêm.

Để lo cho các cháu, ngoài nguồn kinh phí ít ỏi từ ngân sách nhà nước, Trung tâm Hoạt động nhân đạo thường xuyên phải kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. Mọi người có thể đóng góp bằng nhiều cách khác nhau miễn là có ích cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Vừa qua, một doanh nghiệp xin sửa chữa, lắp đặt điều hòa, mua ti vi trang bị trong phòng ngủ, mua xe đạp, ghế đá để trong khuôn viên trung tâm với tổng kinh phí lên tới gần 160 triệu đồng. Đoàn Khối các cơ quan tỉnh cũng ủng hộ 20 triệu đồng. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước sạch cũng ủng hộ 30 triệu đồng. “Ngoài tiền mặt, các nhà hảo tâm cũng có thể đóng góp bằng hiện vật thiết thực như quần áo, bỉm sữa và các vật dụng khác. Mỗi người một tấm lòng để cùng với chúng tôi chăm lo cho các cháu ngày một tốt hơn”, anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc trung tâm kêu gọi.


VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nơi nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh