Khách đến tham quam, chiêm bái chùa Vinh Quang (thị trấn Thanh Miện) sẽ thấy mái chùa uy nghiêm sừng sững, vườn cây hoa trái bốn mùa, dòng suối nhân tạo nước chảy róc rách…
Chùa Vinh Quang nay đã được tu bổ đẹp đẽ và uy nghiêm
Vẻ đẹp ngôi chùa đang bao bọc cho 1 cổ vật quý giá.
Điểm tựa tâm linh
Nằm cách TP Hải Dương hơn 20 km về phía tây nam, chùa Vinh Quang hiện là một quần thể các công trình thờ tự nằm trong khuôn viên rộng khoảng 10.000 m2 ở khu dân cư Phù Nội, thị trấn Thanh Miện. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thôn Phù Nội từng có 3 ngôi chùa và 4 ngôi đình, trong đó Vinh Quang là ngôi chùa lớn nhất.
Không ai biết ngôi chùa được khởi dựng từ khi nào, chỉ biết di tích tồn tại nhiều thế kỷ, với nhiều hạng mục công trình. Tuy nhiên, năm 1982, ngôi chùa xuống cấp nghiêm trọng và bị hạ giải, đến năm 2004 được khôi phục lại trên nền chùa cũ. Năm 2009, chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, sau đó tiếp tục được trùng tu, xây nhiều hạng mục như tam bảo, nhà mẫu, nhà tổ... Chùa Vinh Quang hiện cũng là nơi ở của 8 trẻ từ 8 - 15 tuổi bị bỏ rơi do Đại đức Thích Thanh Lương nuôi dưỡng.
Giá trị lịch sử
Đại đức Thích Thanh Lương, kiêm nhiệm trụ trì chùa Vinh Quang (trước đó Đại đức đã trụ trì chùa Sùng Nghiêm ở xã Minh Đức, Tứ Kỳ) cho biết từ khi về trụ trì năm 2009 đã được cán bộ, lãnh đạo địa phương nhờ cậy trông nom ngôi chùa cũng như cất giữ những cổ vật, trong đó nổi bật là hệ thống sắc phong của ngôi đình cũ.
Nhiều năm nay 13 sắc phong này vẫn được gìn giữ nguyên vẹn trong một chiếc hộp bằng gỗ chạm trổ tinh xảo. Đại đức Thích Thanh Lương mở hộp, lật giở từng sắc phong, cảm giác như đang chạm vào những nếp gấp thời gian. Dù được làm từ chất liệu giấy mỏng manh nhưng đến nay nhiều bản sắc phong vẫn còn nguyên vẹn, cũng có bản đã xuất hiện những vết rách nhỏ. 13 sắc phong gồm 5 đạo sắc thời Lê và 8 đạo sắc thời Nguyễn vào các năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Chiêu Thống nguyên niên (1787), Quang Trung thứ 2 (1789), Cảnh Thịnh thứ2 (1794), Minh Mệnh thứ 7 (1826), Thiệu Trị thứ 4 (1844 có 2 sắc), Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Khải Định thứ 9 (1924).
Sắc phong cổ nhất ghi ngày 11.9 năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), dài khoảng 130 cm, rộng khoảng 50 cm, màu vàng thẫm.
Tìm lại những tư liệu lịch sử, theo sách Thần tích, thần sắc Hải Dương quyển I do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2017, khu dân cư Phù Nội nay vốn là làng Phù Nội, tên nôm là làng Nuồi. Thành hoàng làng Phù Nội xưa có hai vị, trong đó một vị là thiên thần, một vị là nhân thần. Vị thiên thần hiệu là Bá Dương, tên thường gọi là Thái thượng Lão quân, húy là Lý Lão Đam. Theo thần tích được ghi chép tại sách này, Thái thượng Lão quân sinh ngày 15.2, hóa ngày 21.7, có công dạy ra phép phù thủy.
Sắc phong lâu đời nhất Hải Dương đã được lưu giữ gần 4 thế kỷ
Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, Thái thượng Lão quân vốn là một vị thần tiên trong Đạo giáo, một tôn giáo của Trung Quốc. Cùng với Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và trở nên phổ biến, ăn sâu vào đời sống tâm linh người Việt. Trong hệ thống điện thờ của Đạo giáo thì ba pho Tam Thanh là quan trọng nhất, gồm 3 vị tôn thần, trung tâm là Ngọc Thanh đại đế hay Nguyên thủy Thiên tôn, bên trái là Thượng Thanh đại đế hay Linh bảo Thiên tôn và bên phải là Đạo đức Thiên tôn hay Thái thượng Lão quân. Các triều đại phong kiến Việt Nam thường phong sắc cho người có công bảo vệ đất nước và làng xã như vua, tướng lĩnh, quận công, tổ nghề… nhưng sắc phong cho Thái thượng Lão quân là trường hợp hiếm. Nhiều khả năng tại khu vực này từng có đạo quán thờ Thái thượng Lão quân, sau này bị tàn phá nên dân gửi sắc phong vào chùa để bảo quản.
“Những bản sắc phong không được lưu giữ ở đình mà lưu giữ ở chùa đã là điểm đặc biệt. Đặc biệt hơn nữa đây là bản sắc phong cho một vị thần tiên trong Đạo giáo chứ không phải phong cho những vị có công với đất nước như thường thấy. Về lai lịch, sự tích, ngày sinh hóa của Thái thượng Lão quân cũng được người xưa sáng tạo theo lối giống như các vị thành hoàng, vị thần của tín ngưỡng bản địa với khả năng bảo trợ làng xã, cho thấy sự hòa hợp giữa đạo giáo và tín ngưỡng bản địa. Đây là sắc phong sớm nhất và độc đáo nhất hiện còn của tỉnh Hải Dương. Địa phương cần có phương án bảo vệ di tích và cổ vật quý hiếm này”, ông An Văn Mậu nói.
Trải qua hơn 3,5 thế kỷ tồn tại, bản sắc phong cổ nhất tỉnh, sắc phong cho Thái thượng Lão quân là chứng tích thời gian về sự giao lưu, hòa hợp giữa Đạo giáo vào tín ngưỡng bản địa, cũng như nỗ lực của người dân địa phương trong gìn giữ những sắc phong này.
VIỆT QUỲNH