Có lẽ không có gì hạnh phúc hơn, an yên hơn khi hai người yêu nhau dành cho nhau lời ru ngọt ngào, sâu lắng để chia sẻ bao nỗi buồn vui, sướng khổ trong đời.
Ngồi ru người tình là một kiểu lập tứ khá quen thuộc trong thơ ca. Có lẽ không có gì hạnh phúc hơn, an yên hơn khi hai người yêu nhau dành cho nhau lời ru ngọt ngào, sâu lắng để chia sẻ bao nỗi buồn vui, sướng khổ trong đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có Tôi ru em ngủ, Ru em từng ngón xuân hồng; nhà thơ Huy Cận có Ngậm ngùi... là những kiệt tác âm nhạc và thi ca không thể mờ phai. Nhà thơ Trương Nam Hương cũng có một bài thơ tràn đầy vẻ đẹp nhân văn, đồng thời thể hiện một cảm xúc cao đẹp trong tình yêu là Lời ru năm tháng. Đó là khúc tình ca nồng cháy, đắm say của chàng trai trao gửi cho người mình yêu, cầu mong người yêu vơi đi đau khổ, mất mát, hy vọng lời ru sẽ vá víu được nỗi sầu muộn của con tim đang tan nát, bẽ bàng.
Ở khổ thơ đầu, hình tượng thơ hiện lên thật đẹp. Nhân vật trữ tình xưng anh khuyên người yêu mình "ngủ ngoan em nhé, đừng buồn". Đơn giản, nhẹ nhàng và tình tứ chừng ấy đủ làm cho tâm hồn đau khổ của nhân vật xưng em vơi dịu phần nào. Ru em ngủ, anh mong rằng giấc mơ đẹp sẽ hiện về mà cứu rỗi nỗi buồn đau. Thể thơ lục bát, giọng điệu ngọt ngào là một lựa chọn thật tự nhiên và phù hợp trong hoàn cảnh này:
Ngủ ngoan em nhé, đừng buồn/Giấc mơ sẽ mở lá buồm thong dong/Anh ngồi uống cạn dòng sông/Lo em nhan sắc về không có đò.
"Cánh buồm thong dong" là ẩn dụ của niềm hạnh phúc, bình yên sẽ đến với em trong cuộc đời, giúp em nguôi ngoai sầu khổ, muộn phiền. Nhân vật trữ tình xưng anh cố làm hết sức mình, thậm chí "uống cạn dòng sông" để cầu mong cho nhan sắc em được ngọt lành, hạnh phúc, kẻo rồi lại dở dang, đơn chiếc: "về không có đò". Lời người con trai khuyên bảo tỷ tê, dịu nhẹ nghe thật hiền lành, tội nghiệp. Đó chính là nỗi lòng sống hết mình trong tình yêu lứa đôi.
Vẫn tiếp tục mạch cảm xúc nhẹ nhàng và tình tứ, người tình mong rằng trong giấc mơ em sẽ gặp được "lá buồm thong dong" để được trở về chốn bình yên, thơ mộng. Nhưng đâu phải cầu mong là được, em vẫn âu lo, sợ hãi, phấp phỏng bao buồn đau trong đời, trong tình yêu nên giấc mơ cũng "chòng chành", chênh chao lắm. Người con trai lặng lẽ ru người tình bằng những câu thơ ngọt ngào, tha thiết xuất phát từ tình cảm yêu thương sâu lắng nhất. Vừa ru người tình, chàng trai vừa động viên, dỗ dành êm ái:
Chòng chành một giấc mơ lo/Ngủ ngoan, anh mượn lời thơ dỗ dành/À ơi... rồi vết thương lành/Trăm năm đã khóc lệ thành rong rêu.
Em buồn thì anh mong "giấc mơ sẽ mở lá buồm thong dong", em âu lo thì anh "mượn lời thơ dỗ dành". Đến khổ cuối bài, tình yêu ấy càng đậm sâu, da diết nhiều hơn. Anh làm đủ mọi cách, loay hoay để che chiều gió em, cho em được bình yên trọn vẹn. Hình ảnh thơ ở đây đậm sắc thái tu từ nên đã khơi gợi được nhiều cảm xúc trong lòng người đọc. Khổ thơ cuối bài là một niềm mong mỏi và khát khao đến cháy bỏng:
Ngoan nào, ngủ nhé, tình yêu/Anh loay hoay tuổi che chiều gió em/Bế bồng nhan sắc qua đêm/Ngày ơi, đừng đọng buồn trên trán người...
Mượn cấu tứ có tính truyền thống thông qua hình tượng ru người tình ngủ, Trương Nam Hương đã thể hiện một tình yêu lứa đôi thiết tha, mãnh liệt. Quả thật, Lời ru năm tháng đã mang đến cho người đọc có được cái nhìn tràn đầy vẻ đẹp nhân văn. Tình yêu đâu chỉ đơn thuần là sự hòa hợp tâm hồn và thể xác, nó còn là hiện thân của cái đẹp thánh thiện đã thăng hoa, khi biết hy sinh và dành cho nhau tất cả cuộc đời mình để người tình được hạnh phúc. Đọc được một thi phẩm như Lời ru năm tháng, tâm hồn mỗi người sẽ cao đẹp, thánh thiện hơn nhiều lắm.
LÊ THÀNH VĂN
Lời ru năm tháng TRƯƠNG NAM HƯƠNG |