Cuối tuần về quê, tôi đến thăm một gia đình công nhân. Nói gia đình vì từ ngày công nghiệp về huyện, người bố và 2 con vào làm ở các công ty, chỉ còn bà mẹ ở nhà “giữ gôn”.
Ông bố là Chủ tịch công đoàn cơ sở, còn con gái làm may, con trai làm giày da.
- Thế nào, bố con làm thợ khá hơn làm nông nghiệp chứ? - tôi hỏi.
- Tạm thời thì cũng ổn, hơn cái thời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở làng nhiều lắm. Nhưng…
- Nhưng sao? Còn băn khoăn gì nữa?
- Vẫn còn lo không được học thêm để nâng cao tay nghề thì mất nghiệp đấy, bác ạ! Chả là có một số người lao động (NLĐ) ở mấy công ty gần đây vì tay nghề yếu mà mất việc, tuổi đã lớn mà tay nghề “không chịu lớn”.
- Thế sao lúc còn trẻ không tranh thủ mà học?
Anh Chủ tịch công đoàn cơ sở không trả lời ngay mà kể rằng, khi mới vào làm việc ở công ty chỉ được tập huấn ngắn ngày rồi làm công việc giản đơn như lắp ráp sản phẩm, đóng bao gói chứ có biết gì về máy móc đâu. Cứ công việc thế làm có ngày tới hơn mười giờ đồng hồ, về nghỉ đã mệt phờ, lăn ra cơm nước và ngủ, chẳng còn nghĩ đến học thêm…
- Nhưng doanh nghiệp (DN) có thực sự muốn cho NLĐ được học nâng cao tay nghề không? - tôi hỏi lại.
- Họ vẫn coi là “tài sản quý” đấy, nhưng thực lòng nhiều ông chủ không làm như vậy đâu. Họ vẫn không muốn cho NLĐ đi học vì sợ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất. Còn NLĐ thì do lương thấp, chi phí hằng ngày còn khó khăn nên cũng chẳng ai dám bỏ tiền chi đi học.
- Và thế là sau một thời gian làm việc đến tuổi tứ tuần là có thể nhận quyết định “tay nghề không đáp ứng yêu cầu” và về… vườn?
- Ấy là chưa kể đến sau này khi DN đầu tư công nghệ mới với sự thay thế của rô bốt, tự động hóa thì những NLĐ như hai đứa con em sẽ bị sa thải hàng loạt.
-Vậy theo quan điểm của thủ lĩnh công đoàn thì nên giải quyết bài toán khó này như thế nào?
- Đầu tiên là cần coi trọng ngay việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới; đồng thời bằng mọi hình thức cần đào tạo lại NLĐ lớn tuổi đang sắp bị mất việc và cả những NLĐ đã mất việc rồi để họ trở lại thị trường lao động.
- Nhưng nếu cơ chế chính sách cứ như hiện nay thì làm sao khuyến khích được NLĐ nâng cao tay nghề?
- Thì phải phát triển các DN dạy nghề, không những toàn quốc mà ở cả các địa phương; đổi mới phương châm đào tạo, bồi dưỡng nghề, liên kết thực hành với DN và quan trọng hơn là phải phát triển mạnh Quỹ việc làm để có điều kiện hỗ trợ NLĐ nâng cao tay nghề…
- Tôi nghĩ DN cần thực sự vào cuộc, chứ Công đoàn thì “tay không bắt học” là khó đấy. Bởi học nghề phải đi đôi với thực hành, cần có tiền, thời gian và các điều kiện khác. Một cái mắc nữa là không ít NLĐ còn thụ động không chịu học hành…
- Vâng, cho nên công đoàn lại phải cùng với DN tuyên truyền giáo dục để NLĐ thấy rõ tầm quan trọng cần thiết của việc nâng cao kỹ thuật nghề mà thực học, thực hành, vì trước mắt nếu không có nghề đáp ứng yêu cầu công việc thì thất nghiệp. Đến lúc bị DN đẩy ra ngoài thì cơ hội trở lại có việc làm là khó…
- Đúng vậy!
THẾ NGUYỄN