Bên cạnh không khí tưng bừng, náo nhiệt, sự phấn khởi của người dân thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhức nhối.
An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối tại các lễ hội
Từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn tỉnh ta diễn ra nhiều lễ hội. Bên cạnh không khí tưng bừng, náo nhiệt, sự phấn khởi của người dân thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhức nhối.
Nhan nhản thực phẩm mất vệ sinhLễ hội đền Ngọc Hoa, xã Thanh An (Thanh Hà) được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội thu hút khá đông du khách. Những mẹt cốm, xúc xích, bánh cuốn… được bày bán san sát mà không hề được che đậy. Ngay từ ngày khai hội, bà Nguyễn Thị Nhự ở xã An Châu (TP Hải Dương) đã có mặt từ sớm để bán cốm. Mẹt cốm của bà được đặt ngay cạnh đường đi, hứng đủ bụi bặm từ những bước chân của du khách. “Cốm do gia đình tôi làm ra nên rất sạch sẽ, hoàn toàn yên tâm về chất lượng”- bà Nhự nói trong khi đôi tay trần vẫn thoăn thoắt bốc cốm bán cho khách.
Lễ hội đình Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) diễn ra từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch tuy có quy mô nhỏ nhưng cũng thu hút một số hộ kinh doanh. Chiếc xe đạp mang theo chiếc thùng ghi “Bò bía ngọt” của chị Loan hấp dẫn rất nhiều khách hàng. Sau khi trải vỏ bánh, cho nhân, đôi bàn tay cáu bẩn của chị Loan cầm chiếc nạo đã chuyển màu mốc xanh nhanh chóng nạo miếng cơm dừa thành những sợi nhỏ. Bên cạnh bò bía, chị Loan còn bán thêm món xoài dầm. Những quả xoài cùng với những chiếc lọ, túi đựng gia vị vứt lăn lóc dưới đất. Sau khi tẩm ướp, những miếng xoài được bày trong một chiếc mâm nhựa đã cũ đặt trên chiếc ghế không cao là mấy so với mặt đường. Chị Loan cho biết: “Trong suốt quá trình tôi bán hàng, không có bất cứ ai tới nhắc nhở về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)”.
Khu di tích Côn Sơn ngày cuối tuần đón khá nhiều du khách. Ngay từ bãi đỗ xe, các hàng quán với những đồ ăn từ bún, phở, tới những đồ ăn vặt đua nhau mọc lên san sát trải dài cạnh đường đi. Khoảng 11 giờ trưa là thời điểm du khách chen chúc vào hàng ăn. Nhiều hàng ăn chỉ được dựng tạm bợ bằng cây gỗ và tấm bạt. Có hàng dựng lên ngay trong khuôn viên bãi đỗ xe. Những chiếc bát đựng thức ăn không hề được che đậy, những chiếc xe ô-tô nườm nượp ra vào mang theo khói, bụi nhưng dường như không làm người bán và khách hàng ở đây bận tâm. Sau khi khách ăn xong, những chiếc bát được chuyển ra phía sau bạt, nơi ngổn ngang thùng, chậu, nồi niêu. Chúng được cho vào một chiếc chậu nhỏ ngầu bọt, sau đó nhúng vội qua một thau nước váng mỡ rồi lại xếp thành chồng chuẩn bị phục vụ những thực khách tiếp theo. Khi tôi tỏ ra lo ngại về vấn đề ATVSTP, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ quán cho biết: “Em cứ yên tâm! Quán của chị toàn dùng những thực phẩm tươi sống, chứ không hề có loại ôi thiu nào đâu, chị bán hàng ở đây lâu rồi nhưng có ai bị làm sao đâu?”.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Văn An (Chí Linh) chia sẻ: “Sau một hồi leo núi, tham quan, hầu như ai cũng cảm thấy đói khát nên có nhu cầu ăn uống. Tôi cũng lo ngại thực phẩm ở đây không bảo đảm an toàn khi cùng một lúc họ phải phục vụ nhiều thực khách, người bán hàng thì vẫn dùng tay trần bốc, thái thức ăn chín. Nhưng tôi và những người trong đoàn cũng không có sự lựa chọn nào khác vì ở đây hàng quán nào cũng thế, đành nhắm mắt ăn cho qua bữa”.
Khó kiểm soátÔng Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, ngay từ khi bắt đầu mùa lễ hội chi cục đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tập huấn, tuyên truyền về vấn đề ATVSTP cho những hộ sản xuất, kinh doanh và người dân. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra mỏng, chỉ có thể tiến hành kiểm tra tại các lễ hội có quy mô lớn. Những lễ hội có quy mô nhỏ như lễ hội làng, đình, chùa được giao cho chính quyền địa phương kiểm tra, nhắc nhở.
Do đó, các địa phương nơi diễn ra lễ hội cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSTP thông qua việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ sở, người kinh doanh, chế biến thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, xử lý các trường hợp vi phạm, hướng dẫn người kinh doanh, chế biến thực phẩm chấp hành đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm, tập huấn về ATVSTP cho những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Thực tế cho thấy vấn đề ATVSTP trở nên nhức nhối tại các lễ hội một phần là do chính sự dễ dãi của du khách. Với tâm lý “khuất mắt trông coi” hoặc ăn cho qua bữa nên nhiều du khách vẫn lựa chọn đồ ăn tại các hàng quán dù biết là không bảo đảm ATVSTP. Trước khi tham dự lễ hội, du khách cũng nên tạo cho mình thói quen chuẩn bị thức ăn và nước uống ở nhà, việc làm này vừa đơn giản, vừa tiết kiệm tiền và bảo đảm ATVSTP. Người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm không vì lợi nhuận trước mắt mà để ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng.
HUYỀN TRANG