Nỗi lo đầu năm học mới. Bài cuối: Sáp nhập trường học còn chậm

15/08/2019 17:42

Việc sáp nhập các trường ở một số địa phương chưa xong, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị năm học mới.

>>>Nỗi lo đầu năm học mới. Bài 1: Chuyện thiếu giáo viên chưa hết "nóng"


Chiều 1.8, TP Hải Dương tổ chức công bố quyết định sáp nhập Trường Mầm non Ngọc Châu với Trường Mầm non Phú Lương

Trong dịp hè, nhiều địa phương của tỉnh thực hiện sáp nhập trường học cùng cấp và liên cấp (tiểu học với THCS). Tuy nhiên, đến nay việc sáp nhập các trường ở một số địa phương vẫn chưa xong, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị năm học mới.

Trường học bị động

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều sáp nhập trường chậm so với chỉ đạo của tỉnh. Trong Đề án "Tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021", tỉnh chỉ đạo các đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sáp nhập các trường cùng cấp học thành 1 trường và phải hoàn thành trước tháng 7.2019.

Nhưng trên thực tế, chỉ có 2 địa phương thực hiện đúng kế hoạch này. Đầu tháng 6, TP Chí Linh sáp nhập xong các trường liên cấp của 4 xã, phường. Tháng 7, huyện Thanh Hà sáp nhập 2 trường mầm non ở xã Thanh Hải và 2 trường mầm non ở xã Tiền Tiến. Huyện Kinh Môn đã hoàn thành sáp nhập 2 trường tiểu học của xã An Phụ trong tháng 7, nhưng vẫn còn 2 trường mầm non, 2 trường THCS chưa sáp nhập. Các địa phương có trường sáp nhập còn lại đều thực hiện trong tháng 8.

Việc sáp nhập các trường chậm một phần do chưa chủ động xây dựng đề án, kế hoạch. Ngoài ra, quy trình thực hiện sáp nhập mất nhiều thời gian từ khi các trường, địa phương xây dựng đề án đến khi được thẩm định, quyết định.

Những địa phương thực hiện sáp nhập trường vào nửa cuối tháng 8, nhất là đối với trường liên cấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuẩn bị năm học mới. Trong khi đó, nhiều trường mầm non, tiểu học còn thiếu giáo viên, phòng học cần có thời gian để cân đối, bố trí. Những trường sau sáp nhập thường dôi dư đội ngũ quản lý; nhân viên cũng cần sớm được sắp xếp. "Theo kế hoạch, Trường Tiểu học Kim Xuyên sẽ sáp nhập với Trường Tiểu học Quỳnh Khê nhưng đến nay chưa có quyết định. Thời điểm này, các nhà trường bắt đầu chuẩn bị năm học mới, nhất là tập trung rà soát cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch dạy học, phân công chuyên môn. Nếu việc sáp nhập diễn ra sớm, chúng tôi sẽ chủ động, thuận lợi hơn cho năm học", thầy giáo Đào Quốc Lập, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Xuyên (Kim Thành) nói.

Nhiều băn khoăn

Các địa phương sáp nhập trường học nhằm sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn đội ngũ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, việc sáp nhập trường học đang gặp một số khó khăn cần được quan tâm giải quyết. Theo một số cán bộ quản lý giáo dục, các địa phương thực hiện sáp nhập trường có phần nóng vội. Trường học sau sáp nhập hầu như chỉ trên giấy tờ, giảm 1 chức danh hiệu trưởng, còn thực tế hoạt động vẫn "bình mới rượu cũ". Địa điểm, đội ngũ giáo viên, học sinh, quy mô ở mỗi điểm trường cơ bản như trước. Trường khó tổ chức hoạt động tập thể chung cho học sinh ở một điểm trường vì di chuyển bất tiện, khuôn viên chưa bảo đảm. Công tác bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học nếu không hợp lý sẽ nảy sinh bất cập. Nhiều cán bộ quản lý trường sau sáp nhập bày tỏ băn khoăn rằng nếu kinh phí chỉ cấp theo tiêu chuẩn của một trường sẽ rất khó khăn do chưa thể dồn về một điểm (với trường có nhiều điểm lẻ) nên hầu hết hoạt động vẫn phải tổ chức giống nhau ở từng điểm.

Việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý cũng là câu hỏi đang được đặt ra. Những nơi có cán bộ quản lý nghỉ hưu sẽ điều động, bổ nhiệm hiệu trưởng mới thuận lợi. Còn những nơi không luân chuyển được sẽ thừa nhiều phó hiệu trưởng. Ở huyện Nam Sách, sau khi sáp nhập các trường liên cấp của 5 xã sẽ dư ra 5 hiệu trưởng.

Hiện nay, quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn bổ nhiệm hiệu trưởng của trường sau sáp nhập chưa cụ thể, đầy đủ nên nếu không thực hiện khách quan, dân chủ sẽ dẫn đến tiêu cực. Một số hiệu trưởng phải xuống làm phó hiệu trưởng trường sau sáp nhập không tránh khỏi suy nghĩ là sau bao năm cống hiến lại trở về như trước. "Hiệu trưởng trường sau sáp nhập, nhất là ở trường liên cấp, trường có quy mô lớn, khoảng cách giữa các điểm trường xa nhau, địa bàn phức tạp cần chọn người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành mới mang lại hiệu quả tích cực", thầy giáo Nguyễn Văn Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân (Kinh Môn) nêu quan điểm.

Từ tháng 6 - 8.2019, các huyện, thành phố của tỉnh thực hiện sáp nhập 42 trường cùng cấp (mầm non, tiểu học, THCS) và liên cấp (tiểu học với THCS) đối với đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nam Sách là địa phương có nhiều trường sáp nhập nhất, với 10 trường. Các huyện, thành phố còn lại sáp nhập 4 - 6 trường.

TP Chí Linh sáp nhập các trường tiểu học với THCS thuộc 4 xã, phường: Hoàng Tân, Thái Học, Nhân Huệ, Hoàng Hoa Thám. TP Hải Dương sáp nhập 2 trường tiểu học của xã Nam Đồng, 2 trường mầm non thuộc phường Ngọc Châu, 2 trường mầm non của phường Ái Quốc. Huyện Tứ Kỳ sáp nhập 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học thuộc xã Minh Đức, 2 trường mầm non của thị trấn Tứ Kỳ. Huyện Nam Sách sáp nhập trường tiểu học với THCS của các xã: Minh Tân, Thanh Quang, Nam Chính, Phú Điền, Hồng Phong. Huyện Kim Thành sáp nhập các trường tiểu học thuộc 3 xã: Đại Đức, Ngũ Phúc, Kim Xuyên. Huyện Kinh Môn sáp nhập 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học thuộc xã An Phụ, 2 trường THCS của thị trấn Minh Tân. Huyện Thanh Hà sáp nhập 2 trường mầm non của xã Tiền Tiến và 2 trường mầm non thuộc xã Thanh Hải.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nỗi lo đầu năm học mới. Bài cuối: Sáp nhập trường học còn chậm