Hiện nhiều trường trong tỉnh còn phòng học xuống cấp, phải học tạm, học nhờ ở những nơi không bảo đảm điều kiện, mất an toàn.
>>> Nỗi lo đầu năm học mới. Bài 1: Chuyện thiếu giáo viên chưa hết "nóng"
Điểm trường thôn Mỹ Ân của Trường Mầm non Văn Tố (Tứ Kỳ) vừa chật hẹp, xuống cấp và phải làm thêm 1 phòng học tạm
Có thể sập bất cứ lúc nào
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 4.2019, các trường mầm non trong tỉnh có 339 phòng học bán kiên cố, 90 phòng học tạm, 219 phòng học mượn; cấp tiểu học có 153 phòng học bán kiên cố, 81 phòng học tạm, 106 phòng học mượn; cấp THCS có 13 phòng học bán kiên cố, 7 phòng học tạm, 191 phòng học nhờ, mượn, thuê.
Những năm gần đây, mỗi khi vào năm học mới, lãnh đạo, giáo viên và phụ huynh Trường Mầm non Văn Tố (Tứ Kỳ) lại canh cánh nỗi lo mất an toàn. Ở bậc mầm non, đây là một trong ít trường trên địa bàn tỉnh có cơ sở vật chất kém như vậy. Trường hiện có 7 điểm trường ở 7 thôn. Ngoài điểm chính có dãy nhà kiên cố 2 tầng, 4 phòng học, các điểm còn lại đều nhà cấp 4 đã xây dựng hàng chục năm trước, xuống cấp nghiêm trọng. Tường bị bong tróc, xà, cột nứt, võng, có nguy cơ bị gãy, sập bất cứ lúc nào. "Mỗi khi trời mưa giông, giáo viên rất lo lắng, sợ phòng học bị sập đổ, còn khi có bão đành phải cho trẻ nghỉ. Các phòng học này đều rất nhỏ, chỉ từ 15 - 25 m2 /phòng, khu vệ sinh không bảo đảm, khuôn viên hẹp, có điểm trường không có sân chơi. Năm học này, do trẻ tăng nên điểm trường ở thôn Mỹ Ân phải làm 1 phòng học tạm bằng tôn ở ngoài sân", cô giáo Trần Thị Duy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Tố cho biết.
Ở bậc mầm non, những điểm trường lẻ đã xây dựng từ lâu hay học mượn, học tạm tại nhà văn hóa, nhà kho cũ do thiết kế không bảo đảm nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều nơi không có nhà vệ sinh khép kín, trẻ phải di chuyển một khoảng cách khá xa trong khi có lớp chỉ có 1 cô trông giữ nên rất khó kiểm soát. Cùng nỗi lo trên, nhiều năm nay thầy và trò Trường THCS Liên Hòa (Kim Thành) luôn sống trong sợ hãi. Khu nhà 2 tầng xây từ năm 1995, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trần tầng 1, tầng 2 đều bị nứt, thấm dột; lan can, tường nhà bong tróc từng mảng. Địa phương đang xây dãy nhà 2 tầng, 8 phòng nhưng chỉ đủ cho các lớp học, còn cán bộ, giáo viên vẫn phải làm việc ở nhà cũ, rất nguy hiểm. Trường dự kiến vào năm học mới sẽ phải niêm phong một số phòng ở tầng 2.
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ, học sinh và giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, không bảo đảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học Kiến Quốc (Ninh Giang) hiện có 5 dãy nhà với 24 phòng học, phòng chức năng nhưng không có một phòng nào bảo đảm yêu cầu. "Do các phòng đều hẹp, xuống cấp nên trong năm học, giáo viên khó ứng dụng công nghệ thông tin, đưa phương pháp mới vào dạy học, thiệt thòi cho học sinh. Vào mùa hè, các phòng học rất nóng và ngột ngạt", cô giáo Nguyễn Thị Toan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiến Quốc cho biết.
Sớm tháo gỡ
Phòng học mất an toàn, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy còn xuất hiện phần lớn ở các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi sự hỗ trợ của cấp trên và công tác xã hội hóa còn hạn chế. Tín hiệu vui cho các trường là ngoài việc được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học khi xây dựng nông thôn mới, tỉnh đang xây dựng Đề án "Xóa phòng học tạm, phòng học mượn và bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025". Theo dự thảo đề án, toàn tỉnh sẽ xây dựng 2.494 phòng học kiên cố đạt chuẩn với tổng kinh phí 1.362 tỷ đồng để thay thế các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, học mượn và còn thiếu do tăng quy mô lớp, học sinh. Trong đó, ngân sách của tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ 470 triệu đồng/phòng học mầm non, 399 triệu đồng/phòng học tiểu học, 617,5 triệu đồng/phòng học THCS, 617,5 triệu đồng/phòng học THPT, nguồn còn lại do địa phương bố trí và xã hội hóa.
Nhiều địa phương, nhà trường mong muốn trong khi chờ đề án được phê duyệt, thực hiện, tỉnh nên sớm chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục những phòng học mất an toàn. Những nơi này có thể ưu tiên đầu tư xây sớm, hoặc sửa chữa, nâng cấp kịp thời để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
DANH TRUNG
Kỳ sau: Sáp nhập trường học còn chậm