Dịch Covid-19 liên tục bùng phát và diễn biến phức tạp khiến trẻ mầm non ít được đến lớp. Các trường tiểu học đang rất lo lắng cho chất lượng lứa học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 năm học 2021-2022.
Bà Lê Thị Phương ở thôn Bịch Đông, xã Nam Chính (Nam Sách) dành thời gian hằng ngày để giúp cháu chuẩn bị vào lớp 1 học bảng chữ cái
Chưa thuộc bảng chữ cái
Từ cuối tháng 1 đến khi kết thúc năm học 2020-2021, học sinh mầm non chỉ được đến trường hơn 10 ngày nửa đầu tháng 4, còn lại phải nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Đây là giai đoạn rất quan trọng với lứa học sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi, bởi các em sẽ được rèn luyện, học tập những kỹ năng cơ bản nhất trước khi vào học lớp 1. Vì các em không thể đến trường nên giáo viên cũng chỉ quay video clip hướng dẫn cha mẹ học sinh cách chăm sóc, giáo dục con tại nhà với những nội dung đơn giản như tập thể dục, khám phá, tô vẽ tranh, nặn đất...
Chưa bao giờ học sinh mầm non phải nghỉ dài như vậy. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa An (Ninh Giang) chia sẻ cha mẹ học sinh phản ánh là rất nhiều em chưa thuộc bảng chữ cái. Lẽ ra khi chuẩn bị vào lớp 1, ngoài thuộc bảng chữ cái, các em đã phải hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và phải nhớ được cả các nét ngang, xiên trái, xiên phải, móc trên. Phóng viên đã tiến hành một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên khoảng 50 người có con chuẩn bị vào lớp 1 thì có quá một nửa trong số này cho biết con họ chưa học thuộc bảng chữ cái hoặc chỉ nhớ bập bõm.
Bà Lê Thị Phương ở thôn Bịch Đông, xã Nam Chính (Nam Sách) cũng rất sốt ruột khi cháu ngoại chuẩn bị vào lớp 1 mà chưa ghi nhớ hết các chữ cái. “Bố mẹ cháu sang Nhật Bản lao động, gửi cháu cho tôi chăm sóc. Tôi cố gắng lên mạng tìm kiếm các video hướng dẫn dạy trẻ 5 tuổi tại nhà để dạy cháu nhưng không mấy hiệu quả”.
Cần ít nhất 2 tuần làm quen
Năm học 2019-2020, dịch Covid-19 cũng khiến chất lượng đầu vào học sinh lớp 1 bị ảnh hưởng. Đây cũng là năm học sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được áp dụng. Giáo viên chỉ được tập huấn trực tuyến, học sinh thì nghỉ nhiều do dịch bệnh nên việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.
Những năm trước, các trường sẽ dành khoảng 1 tuần đầu tiên để giúp học sinh lớp 1 làm quen với môi trường học tập mới, rèn nền nếp, tác phong. Trong khoảng thời gian này, giáo viên cũng có thời gian để cho học sinh rèn chữ và các nét cơ bản. Nhưng năm học 2020-2021 vừa qua, học sinh chỉ được đến trường trước lễ khai giảng đúng 2 ngày. Sau lễ khai giảng, học sinh đã phải vào học ngay theo phân phối chương trình. Điều này làm cả cô và trò cùng mệt mỏi, căng thẳng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Điền (Cẩm Giàng) Phạm Thị Lộc cho biết: “Thời điểm đó, để giải quyết khó khăn, buổi sáng trường chỉ đạo giáo viên lớp 1 vẫn dạy theo khung chương trình. Sang buổi chiều, giáo viên phân nhóm, rèn học chữ cái cho từng em còn yếu, đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh để dạy các con tại nhà. Việc này gây ra nhiều áp lực cho cả cô và trò”.
Năm học trước, học sinh mầm non ít phải nghỉ học do dịch bệnh mà việc dạy và học đối với học sinh lớp 1 đã vất vả. Năm học 2021-2022 sắp tới, việc này được dự đoán còn khó khăn hơn do thời gian các em nghỉ học quá dài. Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết khó khăn này, ngành giáo dục và đào tạo cần xem xét bố trí thời gian cho học sinh lớp 1 làm quen với môi trường học tập mới. “Tôi nghĩ cần ít nhất 2 tuần, có thể trước khi năm học mới bắt đầu. Cha mẹ học sinh có lẽ sẽ đồng tình với việc này vì giáo viên sẽ có thời gian hoàn thiện những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh trước khi vào học theo kế hoạch năm học”, một nhà quản lý giáo dục nêu quan điểm.
Năm học trước, để khắc phục khó khăn trên, nhiều trường đã cho giáo viên giao “phiếu về nhà” đối với học sinh lớp 1. Trên phiếu ghi rõ những việc mà học sinh lớp 1 phải hoàn thành tại nhà trước khi đến lớp vào ngày hôm sau. Cha mẹ là người đóng vai trò giúp giáo viên theo dõi, giám sát con thực hiện. Giải pháp này đã đem lại những kết quả rất tích cực.
BÌNH MINH