Nỗi lo bạo lực học đường

01/12/2013 05:55

Học sinh thiếu kỹ năng sống, ứng xử thiếu văn hóa đang là thực tế đáng báo động...



Nhiều cuộc ẩu đả của các nữ sinh được tung lên mạng

Trong thời gian gần đây, những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) liên tiếp xảy ra với tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, khiến nhiều bậc phụ huynh và học sinh lo lắng.

Những vụ án đau lòng

Mặc dù đã trôi qua hơn 3 tháng, xong vụ em  Nguyễn Văn D. (sinh năm 1998, trú tại thôn Đào Xá, xã Cao An, Cẩm Giàng) bị bạn học là Nguyễn Văn T. (sinh năm 1997, trú tại thôn Phú An, cùng xã Cao An) đâm chết vẫn là câu chuyện bàn tán của nhiều người dân. Theo Công an huyện Cẩm Giàng, khoảng 11 giờ 15 trưa 24-8, tại khu vực trước cổng Trường Tiểu học xã Cao An, do có mâu thuẫn từ trước, D. và hai thanh niên đã đến đánh T. T. đã rút dao thủ sẵn trong người đâm một nhát vào người D. Khi đó, mấy thanh niên đi cùng D. đã ném đá khiến T. bị thương ở đầu. D. mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh song do vết thương quá nặng nên đã chết lúc 16 giờ 40 cùng ngày.

Một vụ án thương tâm khác cũng mới xảy ra trên địa bàn huyện Cẩm Giàng mà cả nạn nhân và đối tượng gây án đều còn rất trẻ. Chỉ vì một phút bồng bột mà các em đã tự vứt bỏ tương lai của chính mình. Đào Thị L. sinh năm 1999, học sinh lớp 9B Trường THCS Cẩm Vũ có mâu thuẫn với Vũ Thị D. học cùng lớp và Nguyễn Thị Y., học sinh lớp 9B Trường THCS Cẩm Văn. L. hẹn nhóm của D. và Y. ra cổng đền Bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn vào ngày 14-10  để “giải quyết” vấn đề. Để chắc thắng, L. gọi thêm 11 người đều là học sinh nữ thuộc các trường ở thị trấn Lai Cách, xã Cao An đến hỗ trợ. Phía bên D. cũng gọi thêm Bùi Thị Thu H. (sinh năm 1998, ở thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định) đến “giúp sức”. Vì biết H. là đầu gấu nên khi gặp nhau ở đền Bia, đám của L. không dám hung hăng "tuyên chiến" nữa. Ngay lúc mới giáp mặt, H. đã lao vào tát L. hai cái để cảnh cáo. Mặc dù L. van xin tha lỗi, nhưng H. vẫn hung hãn rút guốc ra đánh liên tiếp vào người cô nữ sinh lớp 9. Hai nhát guốc trúng gáy khiến L. bất tỉnh ngay tại chỗ. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. H. bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật ở nước ta ngày càng gia tăng. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho thấy, năm 2012 cả nước có 8.820 vụ vi phạm pháp luật do 13.289 đối tượng là trẻ vị thành niên gây ra, tăng 231 vụ so với năm 2011. Trong đó trẻ em nam chiếm 96,1%, nữ 3,9%. Riêng ở tỉnh ta, từ năm 1998 đến nay, cơ quan công an đã điều tra xử lý 1.325 vụ, với 1.583 đối tượng vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên. Theo báo cáo của ngành tòa án tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 45 đối tượng phạm tội là người chưa thành niên.

Thiếu kỹ năng sống

Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Vàng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngũ Hùng (Thanh Miện), một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng BLHĐ gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn do các em học sinh thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử văn hóa. Ở lứa tuổi của các em thường thích thể hiện cái "tôi" cá nhân, thích khẳng định mình. Do thiếu kỹ năng sống nên khi gặp một vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong quan hệ bạn bè thì thay bằng việc suy nghĩ, bình tĩnh nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo thì các em lại lựa chọn cách giải quyết vấn đề theo bản năng, sử dụng vũ lực.


Hướng học sinh vào các hoạt động giải trí lành mạnh là một trong những giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường. Trong ảnh: Nữ sinh Trường THPT Kinh Môn 2 (Kinh Môn) luyện tập thể thao. Ảnh: Thành Chung


Theo cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương), để xảy ra BLHĐ một phần còn do sự thiếu quan tâm, dạy dỗ của cha mẹ dẫn đến các em không thể tự nhìn nhận sự việc đúng sai. Do cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình chỉ biết lo cho con cái đầy đủ về vật chất mà quên đi việc những đứa trẻ rất cần được cha mẹ quan tâm từ hành động cho tới suy nghĩ. Hơn nữa, các trò chơi bạo lực, những bộ phim bạo lực đã trở thành trò giải trí yêu thích của nhiều thanh, thiếu niên. Hình ảnh chém giết trong những trò giải trí này đã ảnh hưởng xấu tới các em, chúng luôn nghĩ mọi việc đều có thể giải quyết bằng “nắm đấm”.

Một số trường vẫn chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Do áp lực học tập quá lớn, các em không có thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh như sinh hoạt đội, nhóm, câu lạc bộ yêu thích nhằm rèn luyện kỹ năng sống, trau dồi đạo đức. Các thầy cô giáo chưa thể chia sẻ nhiều với học sinh, giữa thầy và trò vẫn còn khoảng cách nên các em không dám chia sẻ mọi khúc mắc của mình.  Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, Đội trong trường học chưa phát huy hết vai trò trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Một nguyên nhân sâu xa là yếu tố gia đình. Nhiều trẻ em vi phạm pháp luật sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu hạnh phúc, cha mẹ ly hôn hoặc có hoàn cảnh éo le. Tính chất phạm tội của trẻ vị thành niên cũng ngày càng nguy hiểm, dạng băng nhóm trẻ em có sử dụng vũ khí nóng theo kiểu “xã hội đen” gia tăng.

Trách nhiệm của người lớn

Có câu “Trẻ em như tờ giấy trắng”, việc hình thành nhân cách ở trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn. Vì vậy, muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, người lớn cần nhận rõ trách nhiệm chính thuộc về mình. Trước hết, mỗi gia đình cần quan tâm gây dựng tổ ấm hạnh phúc, thực sự là nơi ươm mầm, gieo hạt, nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách cho các em. Cần có phương pháp giáo dục đúng đắn, không quá nuông chiều, đáp ứng vô điều kiện yêu cầu của trẻ; cũng không quá khắt khe, roi vọt với các em. Hãy quan tâm chia sẻ, định hướng và động viên các em mỗi khi gặp khó khăn; không phó mặc các em cho nhà trường, thầy cô, gia sư hoặc người giúp việc. Mỗi người lớn trong gia đình phải thực sự là những tấm gương sáng cho trẻ em học tập noi theo. Mỗi gia đình hạnh phúc với các thành viên luôn biết quan tâm, chia sẻ với nhau sẽ là những “pháo đài” để bảo vệ, ngăn chặn những tác động xấu từ môi trường xung quanh tới các thành viên trong gia đình, nhất là với con trẻ. Cùng với gia đình, các nhà trường cũng cần nhận rõ trách nhiệm trong giáo dục toàn diện đối với học sinh với phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thực hiện tốt các nội dung của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đoàn thanh niên và Hội đồng Đội các cấp cần đổi mới, nâng cao hiệu quả thực sự trong tập hợp, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên thông qua các hoạt động thiết thực, bổ ích. Mỗi địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên trong toàn xã hội, nhất là với trẻ vị thành niên và nhóm trẻ em bỏ học, có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Thắt chặt hơn nữa  biện pháp quản lý trò chơi điện tử, các sản phẩm văn hóa độc hại, hạn chế thấp nhất những tác động xấu tới tâm lý trẻ thơ.

THU HOA VINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo bạo lực học đường