Nỗi "kinh hoàng" báo cáo

02/12/2017 10:48

Đối với đơn vị, cá nhân không nộp báo cáo hoặc báo cáo lạc đề, chất lượng thấp, soạn thảo chung chung, soạn để đối phó...

Không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của các loại báo cáo nhưng nhiều báo cáo có những phần sao chép từ các báo cáo khác, hoặc quá nhiều từ "tăng cường", "đẩy mạnh", "nâng cao"... mà ít có số liệu minh chứng, ít có việc làm cụ thể. Có những báo cáo rất dài nhưng chung chung, phần giải pháp thì rất mờ nhạt, không cân đối.

Có một số nguyên nhân của việc này. Một là, có nhiều trường hợp yêu cầu báo cáo chung chung nên người viết báo cáo không biết đi sâu vào đâu để báo cáo. Hoặc ngược lại, có đưa ra đề cương thì lại có những yêu cầu vô lý mà người lập báo cáo rất khó đáp ứng trong một thời gian ngắn khi đòi hỏi số liệu lịch sử hoặc phải có báo cáo có tính liên ngành... Hai là, người chủ trì soạn báo cáo không nhận được thông tin đầy đủ khi lập báo cáo nên buộc phải “chế” ra hay copy lại từ các báo cáo khác. Việc làm báo cáo thường rất mất công sức, đòi hỏi trí tuệ mà lại hầu như chẳng có “bổng lộc” gì nên nhiều người rất ngại và sẵn sàng từ chối, đùn đẩy. Ba là, trình độ tổng hợp, phân tích của người lập báo cáo, người duyệt báo cáo non yếu. Đây là nguyên nhân quan trọng bởi việc lập báo cáo vốn không dễ dàng.

Nguy hại nhất là từ những nội dung được tổng hợp trong các báo cáo dù chất lượng thấp, có khi sai sự thật sẽ vẫn là căn cứ quan trọng để ra quyết sách.

Một trong những giải pháp căn cơ cho tình trạng này là áp dụng chính phủ điện tử một cách thực chất và hiệu quả. Trừ một số rất ít báo cáo phải được sử dụng ở dạng tài liệu mật, cần đăng tải báo cáo công khai trên mạng của các cơ quan, đơn vị để xây dựng thành cơ sở dữ liệu dùng chung.


Đối với những báo cáo thuần túy là số liệu thì với việc dùng các phần mềm xử lý công việc như hiện nay, hoàn toàn có thể chiết xuất thông tin trên mạng điện tử mà không cần yêu cầu phải báo cáo. Ví dụ, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, đăng ký thay đổi, xử lý thu hồi, giải thể... đã được thực hiện hoàn toàn trên mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn chiết xuất được mà không cần yêu cầu các địa phương gửi báo cáo.

Đối với các báo cáo theo chuyên đề hoặc tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, nghị định, quyết định, thông tư... đề nghị thống nhất nội dung, biểu mẫu các đơn vị trong Bộ, thống nhất nội dung giữa các Bộ và Văn phòng Chính phủ để yêu cầu các địa phương báo cáo; trên cơ sở đó chia sẻ thông tin cho nhau. Ở dưới các địa phương cũng cần có cách làm như vậy.

Đối với đơn vị, cá nhân không nộp báo cáo hoặc báo cáo lạc đề, chất lượng thấp, soạn thảo chung chung, soạn để đối phó, nộp cho xong việc, phải có chế tài xử lý nghiêm thì mới mong chất lượng báo cáo tốt hơn.

Việc đóng góp, cho ý kiến vào các báo cáo không nên quá chú trọng hình thức, câu chữ vì sẽ làm cho người viết thu về trạng thái an toàn, khó có sáng tạo, nghĩ thẳng, viết thẳng. Về cơ bản, trừ một số báo cáo mang tầm cỡ như báo cáo cả một nhiệm kỳ hoạt động của một cơ quan, đơn vị, đánh giá một chương trình, kế hoạch, đề án... thì cần "tốt gỗ, tốt cả nước sơn", còn với hầu hết những báo cáo khác, việc có nội dung tốt phải được đặt lên hàng đầu, không cần quá câu nệ câu chữ, hình thức.

Ngược lại, những người soạn báo cáo cũng cần thấy rõ trách nhiệm báo cáo trung thực, chính xác, kịp thời mà làm báo cáo có chất lượng tốt nhất, đúng hạn nhất. Báo cáo nhất định phải nói lên được sự thật đang diễn ra và có nhiều đề xuất, kiến nghị, sáng kiến, có thể thực hiện được trong ngắn hạn và dài hạn.

Mùa tổng kết năm - mùa làm báo cáo đang đến. Nếu làm được những điều kể trên, chắc chắn việc làm báo cáo, đọc báo cáo sẽ không còn là “ác mộng” với không ít người; báo cáo sẽ có chất lượng tốt, kịp thời, đúng như nhiệm vụ của nó.

LÊ XUÂN HIỀN(Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư)


(0) Bình luận
Nỗi "kinh hoàng" báo cáo