Đời sống

Nỗi khổ nuôi con béo gầy theo "chuẩn hàng xóm"

T.H (theo VnExpress) 14/05/2024 15:45

Bé Khôi, 3 tuổi, con chị Thúy cân nặng đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng nhưng luôn bị bà nội chê còi cọc "không mập mạp như trẻ hàng xóm".

 Bác sĩ khám cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khám cho bệnh nhi

"Chả biết mẹ nó cho ăn uống thế nào mà nhìn ốm yếu, cân chả thấy tăng bao nhiêu", bà thường xuyên than vãn, so sánh dâu không biết chăm con như nhiều người.

Sốt ruột vì cháu cùng tuổi nhưng kém bé hàng xóm 3 kg, mẹ chồng chị Thúy liên tục nhắc chị phải dỗ con, ép ăn, mua thêm sữa ngoài, thuốc bổ, men vi sinh... Nhiều lần, bà bế cháu đi khắp sân chung cư, vừa dỗ vừa nhồi ăn bằng mọi giá. Kết quả sau 4 tháng bị ép ăn, uống sữa, bé Khôi biếng ăn dẫn đến thiếu chất.

Tương tự, con gái anh Huy, ở Bình Chánh, vừa tròn một tuổi nặng 12 kg, cao 75 cm, phát triển tốt, song cả ông bà nội, ngoại đều chê trẻ còi cọc. "Con nít trong dòng họ đều bụ bẫm, tròn trịa, có mỗi con tôi là gầy nên mẹ tôi cho rằng cháu thiếu chất", anh Huy kể.

Bà nội cố cho bé uống thật nhiều sữa ngoài bữa chính, ăn váng sữa, hoa quả theo lịch dày đặc. Để vừa lòng bố mẹ hai bên, anh Huy và vợ tìm đủ mọi cách chế biến như hầm xương nấu cháo cho con nhiều chất dinh dưỡng. Lâu dần, bé sinh ra kém ăn, mắc chứng rối loạn tiêu hóa, phải dùng thuốc.

Hoàn cảnh của chị Thúy, anh Huy cũng là nỗi khổ của nhiều bố mẹ bị người thân trong gia đình hoặc hàng xóm lấy cân nặng của con làm thước đo tài nuôi con. Không ít người hướng đến việc nuôi con khỏe nghĩa là tăng cân nhanh, cơ thể tròn trịa mũm mĩm mà bỏ qua những chỉ số tăng cân nặng hợp lý, lành mạnh ở trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhìn nhận đa phần người dân hiểu sai về dinh dưỡng, "thừa cân thì cho là bình thường, béo phì lại nghĩ thừa cân, còn bé bình thường bị đổ rằng suy dinh dưỡng".

Điều này xuất phát từ quan niệm truyền thống thích con bụ bẫm. Một số phụ huynh biết rõ nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính nhưng vẫn ép con ăn, lựa chọn thực phẩm giàu chất béo vì tin rằng nó giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao nhanh chóng. Điều này là rất sai lầm, vô tình đẩy con đến chỗ thừa cân béo phì mà không biết.

Nhiều cha mẹ mong con béo vì nghĩ con mình quá gầy, suy dinh dưỡng, trong khi về cân nặng trẻ hoàn toàn bình thường. "Trẻ đủ cân nặng so với tuổi, vì phát triển về chiều cao nên trông hơi gầy, nhưng điều này cũng không đáng lo", bác sĩ Hưng cho hay.

Chưa kể, trẻ bị nhồi nhét ăn sẽ có rất nhiều hậu quả xảy ra. Về tâm lý, nhồi ăn bất chấp con thích hay không khiến trẻ sợ, từ đó việc ăn vô tình thành cực hình. Trẻ trở thành cỗ máy chỉ nhai và nuốt chứ không hề cảm nhận được mùi vị ngon, dẫn tới tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và thậm chí là sang chấn tâm lý vì quá căng thẳng. Có trẻ khi nhìn thấy đồ ăn là đau quặn bụng.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030. Từ năm 1975 đến nay, tỷ lệ người thừa cân béo phì trên thế giới đã tăng gần gấp ba lần, hiện có gần hai tỷ người.

"Khoảng hai năm trước, trẻ thừa cân béo phì đến khám tại bệnh viện chưa đến 10%, hiện tại khoảng 15%", theo bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2. Một em bé phát triển tốt là phải có cân nặng chiều cao trong giới hạn bình thường với dinh dưỡng cân bằng. Nhiều cha mẹ trẻ có kiến thức nhưng vì chiều lòng ông bà hoặc bị áp lực nên phó mặc theo cách chăm của người già. Đa số khi trẻ không chịu ăn, ông bà thường không ép mà sẽ bổ sung dinh dưỡng "bù" bằng việc uống sữa. Nhiều trường hợp phụ huynh kể rằng trẻ được cho uống đến 1,5-2 lít sữa mỗi ngày.

Uống sữa thường nhanh, trẻ dễ no, ngon miệng lại không phải nhai nên đa số đều rất thích. Thực tế, sữa là nguồn thức ăn chính của bé dưới một tuổi. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo sau đó bé nên dần chuyển từ uống sữa sang ăn thức ăn. Lúc này vai trò của sữa giảm xuống, chỉ là một nguồn cung cấp canxi và năng lượng. Nhiều phụ huynh chưa có kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ, không tập được cho con thói quen ăn uống đa dạng, do đó trẻ chủ yếu dựa vào sữa.

"Một số bé uống nhiều sữa trông bụ bẫm nên gia đình lầm tưởng bé khỏe mạnh, tiếp tục cho con uống 1-2 lít mỗi ngày, thay vì ăn dặm, đến lúc đi khám mới tá hỏa vì con thiếu máu, thiếu sắt", bác sĩ nói.

Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn yếu, nếu ép ăn về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt. Nhóm trẻ béo phì phải đối mặt với nhiều nguy cơ như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường. Nếu để béo phì của trẻ kéo dài qua đến tuổi dậy thì việc giảm cân sẽ càng khó hơn. Trẻ có nguy cơ trở thành béo phì ở người lớn, dễ mắc kèm theo một số bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Trẻ thừa cân, béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập. Hơn nữa, việc điều trị những bệnh này lại góp phần làm tăng cân hoặc hạn chế hoạt động, như vậy càng làm béo hơn.

Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi cả cân nặng và chiều cao của trẻ. Nếu thấy trẻ tăng cân nhanh quá, cần giảm bớt khẩu phần ăn của trẻ, cho nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn đồ ngọt, tăng cường vận động... Khi trẻ bị béo phì cần đưa đi khám để được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.

Nên chia nhỏ bữa ăn và không để trẻ quá đói khiến ăn nhiều hơn vào bữa ăn sau. Có thể cho bé ăn làm nhiều bữa, mỗi bữa một lượng vừa phải.

Cho trẻ ăn đúng giờ, không cho ăn nhiều trước khi đi ngủ tối. Không cất giữ nhiều các thực phẩm nhiều năng lượng ở nhà như pho mát, bơ, bánh kẹo, kem, nước ngọt, bim bim. Thêm vào đó, nên khuyến khích và cùng trẻ tập thể dục thể thao, giúp làm việc nhà.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi khổ nuôi con béo gầy theo "chuẩn hàng xóm"
    ss