Đến một khách sạn mà không biết mình sẽ ngủ ở quốc gia nào đêm hôm đó đã hồi hộp, ngủ cùng lúc hai quốc gia lại càng hấp dẫn hơn.
"Bạn ở phòng số 9. Đó là một trong những căn nằm trên hai quốc gia trong khách sạn của chúng tôi", quản lý Alexandre Peyron cười và nói với Miquel Ros, vị khách đang đứng ở quầy lễ tân. Nơi Ros ghé thăm chính là Arbez Franco-Suisse, hay L’Arbézie, khách sạn nằm ở làng La Cure (thuộc cả Pháp và Thụy Sĩ), trên đỉnh dãy Jura.
"Tôi hầu như không kiềm chế được sự vui mừng. Đến một khách sạn mà không biết mình sẽ ngủ ở quốc gia nào đã hồi hộp, ngủ cùng lúc hai nơi thì còn hồi hộp đến mức nào chứ", Ros nói.
Vị trí khác thường của khách sạn là kết quả đến từ hiệp ước Dappes năm 1862. Theo đó, Pháp và Thụy Sĩ cùng hoán đổi một phần lãnh thổ cho nhau, để Pháp có thể kiểm soát hoàn toàn một con đường chiến lược gần đó. Những tòa nhà đã xây nếu vô tình nằm trên biên giới mới sẽ được giữ nguyên. Arbez Franco-Suisse là một trong số đó. Tòa nhà khi đó hoạt động như một cửa hàng kiêm quán bar. Đến năm 1921, nó chuyển thành khách sạn.
Hiện nay, khách sạn nằm một nửa trên đất Pháp, nửa còn lại ở Thụy Sĩ. Đường biên giới quốc tế chia đôi nhà hàng và một số căn phòng. Phòng Ros ở có đường phân chia chạy qua phòng tắm và giường ngủ. Điều đó có nghĩa là khi nằm trên giường, đầu của Ros nằm trên đất Thụy Sĩ, chân gác sang lãnh thổ Pháp. Tại căn phòng này, du khách không cần hộ chiếu vẫn có thể xuất - nhập cảnh hàng trăm lần mỗi ngày giữa hai nước.
Từ cửa sổ, cách đó vài mét, là hai đồn biên phòng. Đồn của Thụy Sĩ bên phải, Pháp bên trái và nằm xa hơn. Khách sạn nằm trên khu đất hình tam giác, giữa hai đồn.
Alexandre Peyron, quản lý khách sạn do gia đình ông điều hành qua nhiều thế hệ, cho biết tại một căn phòng khác, mọi thứ đều nằm trên đất Thụy Sĩ, chỉ duy nhất bức tường mang quốc tịch Pháp. Tại nhà hàng có treo một bức tranh mô phỏng lại tác phẩm nổi tiếng The Card Players (Những người chơi bài) của Paul Cézanne. Phía dưới bức tranh là đường biên giới chạy qua và nó được đặt ở vị trí này hoàn toàn có chủ ý.
Trong tranh mô tả hai người đàn ông đang chơi bài. Điều này gợi nhớ đến một sự cố từng xảy ra trong khách sạn vào những năm 1920. Theo lời Peyron, một nhân viên hải quan Thụy Sĩ phạt nhóm khách hàng ở đây khi họ đang chơi bài. Lý do không phải vì đánh bạc như mọi người khi đó lầm tưởng. Nguyên nhân là họ ngồi chơi bài trong nhà hàng, nơi một nửa ở đất Thụy Sĩ, nửa còn lại thuộc Pháp. Bộ bài do Pháp sản xuất.
Những quân bài được chấp nhận ở đất Pháp, nhưng nếu chơi phía đất Thụy Sĩ lại bị phạt vì người chủ bộ bài chưa đóng thuế cho hải quan nước sở tại. Đến nay, khách đến vẫn được phép chơi bài nhưng với điều kiện không có quân bài nào được "vượt biên" sang lãnh thổ nước khác. Nghĩa là, bạn ngồi ở phía nào thì chỉ được dùng bài do nước đó sản xuất.
Điều tương tự đối với một số món ăn. Khách ngồi ở phần Pháp chớ gọi món phô mai tomme vaudois. Đây là sản phẩm của Thụy Sĩ, không được mang sang Pháp lưu hành do liên quan đến các quy định về sản phẩm sữa chưa tiệt trùng. Ngược lại, khi ngồi ở Thụy Sĩ, bạn không thể yêu cầu phục vụ món saucisse de morteau vì xúc xích này không được phép phân phối ở Thụy Sĩ. Cách để có thể ăn mọi thứ bạn muốn, là dịch chuyển ghế ngồi cho đúng lãnh thổ của từng món.
Dù vậy, khách có thể thanh toán bằng cả đồng euro và franc Thụy Sĩ. Thuế thu được trong công việc kinh doanh đóng cho cả hai nước, theo một tỷ lệ nhất định. Khách sạn có hai số điện thoại, một thuộc bưu chính Pháp, số còn lại thuộc Thụy Sĩ. Các phòng nằm trên biên giới hai nước cũng được trang bị hai loại ổ cắm điện vì Pháp và Thụy Sĩ sử dụng các tiêu chuẩn ổ cắm khác nhau.
Khi Covid-19 xuất hiện, khách sạn đối mặt với việc yêu cầu kiểm dịch theo quy định đến từ cả hai quốc gia. Nhưng họ đã chọn bên có quy định khắt khe hơn, và thường là theo Pháp.
Theo VnExpress